BẢN TIN LAO ĐỘNG SỐ 06 THÁNG 04/2021

Sắp có Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm

Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.

Theo đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm là Cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin về y tế, an sinh xã hội được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm các thông tin sau:

  • Dữ liệu cơ bản cá nhân bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; dân tộc; quốc tịch; nơi đăng ký khai sinh; quê quán, nơi thường trú; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;
  • Thông tin liên hệ của công dân;
  • Nhóm thông tin về hộ gia đình: Mã hộ gia đình; địa chỉ; danh sách các thành viên trong hộ gia đình;
  • Nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội: Mã số bảo hiểm xã hội; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý; loại đối tượng bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mã số thuế;
  • Nhóm thông tin về bảo hiểm y tế: Mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 05 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng;
  • Nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp: Quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp;
  • Nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm: Tên; mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập; mã số thuế; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh (hoặc ngành, nghề kinh doanh chính)/lĩnh vực hoạt động; số điện thoại, thư điện tử; loại hình doanh nghiệp/loại hình tổ chức; phương thức đóng;
  • Nhóm thông tin cơ bản về y tế;
  • Nhóm thông tin về an sinh xã hội.

Nghị định 43/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 01/6/2021.

Từ 15/5/2021, tăng mức hỗ trợ học nghề với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cụ thể, quy định như sau:

  • Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
  • Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá500.000 đồng/người/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là nửa tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

Theo Quyết định 77/2014/QĐ-TTg, có hiệu lực đến hết ngày 14/5/2021, mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/người/tháng không phụ thuộc thời gian đào tạo.

Quyết định 17/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

Hướng dẫn về phí công đoàn khi chưa có công đoàn cơ sở

Việc chi kinh phí công đoàn tại doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn chi tiết tại Công văn 1604/TLĐ.

Qua thực tế triển khai, nhiều công đoàn cấp trên cơ sở được phân cấp đã thực hiện tốt việc thu kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở. Đồng thời, nội dung chi tiết được hướng dẫn cụ thể tại Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ gồm: Chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị.

Tuy nhiên, việc chi kinh phí công đoàn cho người lao động tại các doanh nghiệp này còn chậm, còn để số dư kinh phí thu được tại công đoàn cấp trên cơ sở.

Do đó, tại Công văn này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu như sau:

  • Chỉ đạo các công đoàn cấp trên cơ sở được phân cấp thu rà soát lại toàn bộ số kinh phí thu được, số kinh phí đã chi và số kinh phí chưa chi còn lại;
  • Thực hiện khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống và nhu cầu chi, nhiệm vụ chi cho người lao động tại các doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch, dự toán các nội dung chi theo đúng quy định của Tổng Liên đoàn;
  • Tổ chức chi cho người lao động theo đúng nội dung chi đã lập, phát huy hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của người lao động tại doanh nghiệp trên cơ sở kế hoạch, dự toán chi đã xây dựng…

Công bố 2 thủ tục hành chính mới về lao động, tiền lương

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-LĐTBXH ngày 17/3/2021 công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ trong lĩnh vực lao động, tiền lương.

Theo đó, 02 thủ tục hành chính cấp tỉnh mới được ban hành gồm thành lập Hội đồng thương lượng tập thể và thay đổi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể.

Đồng thời, bãi bỏ 02 thủ tục trong lĩnh vực lao động, tiền lương là gửi thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp và gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Ngoài ra, Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung 06 thủ tục về lĩnh vực lao động, tiền lương gồm đăng ký nội quy lao động của doanh nghiệp, cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Trong đó, việc đăng ký nội quy lao động của doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung về thành phần hồ sơ gồm:

  • Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
  • Nội quy lao động;
  • Văn bản góp ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
  • Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).

Quyết định số 338/QĐ-LĐTBXH có hiệu lực từ ngày 17/3/2021.

Các văn bản đáng chú ý khác:

  1. Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên.

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *