Bản Tin Số 15 Tháng 9/2020

Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU


Kể từ ngày 04/9/2020, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến xuất khẩu gạo thơm  sang các nước thành viên thuộc khối EU bắt buộc phải có Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm theo Nghị định 103/2020/NĐ-CP .

Theo đó, chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục gạo thơm xuất khẩu quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định Hiệp định EVFTA là đối tượng được miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU. Thay vì trước đây các tổ chức, cá nhân phải xin giấy chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng thì nay có thể tự khai xuất xứ của lô gạo trong bộ tài liệu nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu.

Việc thay đổi cơ chế chứng nhận xuất xứ giữa EU và Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nhưng cũng là một lỗ hổng nếu quy định trong nước không chặt chẽ. Vậy nên gạo thơm xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau thì mới được chứng nhận:

  • Gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố); và
  • Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra bảo đảm độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.

Việc kiểm tra chất lượng của lô ruộng lúa thơm phải được thực hiện theo phương thức kiểm tra độ thuần giống lúa thơm theo quy định của Nghị định này và diễn ra 01 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch và được lập thành văn bản theo mẫu. Mỗi lô ruộng lúa thơm sau khi kiểm tra được ghi một Mã hiệu nhất định (Ví dụ: RVT.01.M20.110.TTKNQG).

Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo thơm sang EU phải xin cấp Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm tại Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hồ sơ tại Nghị định này.

Đối với gạo thơm đã được sản xuất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì đến hết ngày 31/12/2020, các cá nhân, tổ chức phải đề nghị cấp Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm. Trong trường hợp này, hồ sơ phải nộp bao gồm:

(i) Mẫu Đơn đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm; và

(ii) Mẫu Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm được kê khai đầy đủ thông tin từ mục 1 đến mục 9.

Nâng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh


Ngày 29/5/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 04/09/2020.

Theo đó, các cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ, chức danh là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là người dân tộc thiểu số được tăng tuổi nghỉ hưu tối đa là 60 tuổi khi đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ; và
  • Không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã kết thúc hoạt động từ cuối năm 2017 nên các chức vụ, chức danh Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ không còn tồn tại đồng nghĩa với việc không còn là đối tượng điều chỉnh của Nghị định 53/2015/NĐ-CP.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về An toàn cháy cho nhà và công trình


Kể từ ngày 01/7/2020, đối với gian phòng, nhà và các công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu chung về an toàn cháy theo Quy chuẩn mới được Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 01/2020/TT-BXD. Theo đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về An toàn cháy cho nhà và công trình được ban hành kèm Thông tư 07/2010/TT-BXD không còn áp dụng.

Quy chuẩn mới được mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với nhà chung cư cao tầng từ 75m đến 150m, nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác cao từ 50m đến 150m; và các nhà có hai hoặc ba tầng hầm; đồng thời thêm quy định mới về cấp nước chữa cháy.

Điều chỉnh giới hạn chịu lửa yêu cầu đối với một số bộ phận chịu lực theo bậc chịu lửa của nhà phù hợp với hệ thống phân loại chung của quốc tế.

Quy chuẩn bắt buộc phải sử dụng một buồng thang bộ có bố trí kết hợp các hệ thống buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2 và N3, với việc cấp khí vào khoang đệm và vào buồng thang là độc lập với nhau thay vì thiết kế buồng thang bộ không nhiễm khói N1 như trước đây.

Đối với các hồ sơ thiết kế xây dựng được thẩm duyệt về PCCC trước khi Quy chuẩn này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt; đối với hồ sơ thiết kế xây dựng được thẩm duyệt sau thời điểm ngày 01/7/2020 thì phải tuân thủ các quy định trong Quy chuẩn này.

Mức xử phạt hành chính trong bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp


Kể từ ngày 01/09/2020, các hành vi trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được xác định là vi phạm hành chính tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP sẽ được xử phạt theo quy định mới thay thế cho Nghị định 110/2013/NĐ-CPNghị định 67/2015/NĐ-CP.

Theo đó, hành vi hành nghề luật sư khi chưa có chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn luật sư; Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng hoặc treo biển hiệu khi tổ chức hành nghề luật sư do mình thành lập hoặc tham gia thành lập chưa được đăng ký hoạt động;… sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.

Ngoài ra, người hành nghề luật sư có hành vi cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật;… sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 – 09 tháng. Trong trường hợp công ty luật, văn phòng luật, tổ chức bổ trợ tư pháp thực hiện hành vi trên sẽ phải chịu mức phạt tiền là 60 – 80 triệu đồng.

Hình phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp mang tính răn đe hơn.

Ngoài ra, Nghị định cũng nâng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt bổ sung trong các lĩnh vực hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Các văn bản đáng chú ý khác:

  1. Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.
  2. Nghị định số 104/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.
  3. Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.
  4. Thông tư 01/2020/TT-BXD về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.
  5. Nghị định 82/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ: Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *