Bản Tin Số 14 Tháng 09/2020

Thêm điều kiện phát hành trái phiếu đối với Doanh nghiệp Việt Nam


Ngày 09/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải đáp ứng thêm 03 điều kiện sau đây:

  • Ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu có chức năng này;
  • Đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; và
  • Thời hạn hoàn thành của mỗi đợt phát hành tối đa là 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng, trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
  • Như vậy, kể từ ngày 01/9/2020, Doanh nghiệp phát hành trái phiếu bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP và các điều kiện bổ sung mới cập nhật, trừ trường hợp Tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu thì chỉ cần đáp ứng điều kiện về có hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu.
  • Ngoài ra, hồ sơ phát hành trái phiếu kể từ ngày 01/9/2020 phải bổ sung một số tài liệu, văn bản sau:
  • Hợp đồng mua trái phiếu trong đó bao gồm cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu.
  • Có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành.
  • Tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải công bố thông tin và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán thay vì là 10 ngày như trước đây.

Xử phạt hành vi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo


Ngày 15/07/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi cụ thể như sau:
Theo đó, Chính phủ quy định về mức phạt đối với hành vi yêu cầu công chứng hợp đồng,  giao dịch giả tạo thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, bên cạnh đó còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm.

  • Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30.000.000 đồng.
  • Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40.000.000 đồng.
  • Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng.
  • Đối tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020


Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội sẽ giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng.

Theo đó, Doanh nghiệp rự xácđịnh số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế TNDN năm 2020.

Chính sách này được áp dụng đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế bao gồm:

  • DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
  • Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập.

Thêm điều kiện thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam


Tại Thông tư 43/2019/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành thay đổi các điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam cụ thể là:

Điều kiện chung:

  • Có đủ tiêu chuẩn sức khỏe thuyền viên và đảm bảo tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam;
  • Có giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp;
  • Có hợp đồng lao động thuyền viên theo quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ Công ước Lao động hàng hải 2006 của Tổ chức Lao động quốc tế. Hợp đồng lao động thuyền viên phải phù hợp với giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc điện cấp giấy phép lao động;
  • Có hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà thuyền viên đó mang quốc tịch cấp.
  • Có sổ thuyền viên;
  • Được bố trí đảm nhận chức danh trên tàu biển.

Điều kiện chuyên môn

  • Có đủ chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ đã được Việt Nam ký thỏa thuận về việc công nhận chứng chỉ chuyên môn cấp. Trường hợp chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cửa quốc gia, vùng lãnh thổ đã được Việt Nam ký thỏa thuận công nhận chứng chỉ chuyên môn cấp theo quy tắc II/1, II/2, II/3, II/4, II/5, III/1, III/2, III/3, III/4, III/5, III/6, III/7, IV/2, V/1-1, V/1-2 của Công ước STCW thì phải có Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.
  • Kinh nghiệm: đã có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng.

Các văn bản đáng chú ý khác:

  1. Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu của Doanh nghiệp.
  2. Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá  sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
  3. Nghị quyết 116/2020/QH14 về giảm thuế doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã , đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác do Quốc hội ban hành.
  4. Thông tư 43/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 17/2017/TT-BGTVT quy định về điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ ưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ: Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *