BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ 21 THÁNG 12/2020

Ô tô từ 09 chỗ trở xuống không phải bố trí phương tiện chữa cháy


Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

Theo đó, từ ngày 10/01/2021, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 04 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn PCCC.

Riêng đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 09 chỗ ngồi phải bảo đảm:

  • Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
  • Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
  • Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn PCCC;
  • Có quy định, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Như vậy, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 09 chỗ ngồi trở xuống không phải bố trí phương tiện chữa cháy.

Tăng mức phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ thuế


Kể từ ngày 05/11/2020, mức phạt mới sẽ được áp dụng đối với các hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thông báo thay đổi hồ sơ đăng ký thuế theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành về thuế, hoá đơn, cụ thể như sau:

Đối với hành vi chậm nộp hồ sơ thuế:

  • Phạt cảnh cáo nếu quá thời hạn từ 01 – 10 ngày và có tình tiết giảm nhẹ;
  • Phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng nếu quá thời hạn từ 01 – 30 ngày;
  • Phạt tiền từ 03 – 06 triệu đồng nếu quá thời hạn từ 31 – 90 ngày;
  • Phạt tiền từ 06 – 10 triệu đồng nếu quá thời hạn từ từ 91 ngày trở lên.

Đối với hành vi chậm thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế:

Trong trường hợp việc chậm thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định nhưng không làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế thì sẽ áp dụng các mức phạt sau:

  • Phạt cảnh cáo nếu quá thời hạn từ 01 – 30 ngày và có tình tiết giảm nhẹ;
  • Phạt tiền từ 000 – 01 triệu đồng nếu quá thời hạn từ 01 – 30 ngày;
  • Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng nếu quá thời hạn từ 31 – 90 ngày;
  • Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng nếu quá thời hạn từ từ 91 ngày trở lên.

Trong trường hợp việc chậm thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế thì sẽ áp dụng các mức phạt sau:

  • Phạt cảnh cáo nếu quá thời hạn từ 01 – 10 ngày và có tình tiết giảm nhẹ;
  • Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng nếu quá thời hạn từ 01 – 30 ngày;
  • Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng nếu quá thời hạn từ 31 – 90 ngày;
  • Phạt tiền từ 05 – 07 triệu đồng nếu quá thời hạn từ từ 91 ngày trở lên.

Riêng trường hợp có tình không thông báo thay đổi thông tin hồ sơ đăng ký thuế sẽ áp dụng mức phạt từ 05-07 triệu đồng.

Bổ sung thêm 03 hành vi được xác định là vi phạm trong hải quan


Ngày 19/10/2020, Chính Phủ ban hành Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan chính thức có hiệu lực từ ngày 10/12/2020. Trong đó Nghị định bổ sung thêm 03 trường hợp được xác định là vi phạm hành chính trong lĩnh vuệc hải quan, cụ thể như sau:

  • Nộp hồ sơ đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% đối với linh kiện nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô hoặc Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô không đúng thời hạn;
  • Thông báo hợp đồng gia công lại, phụ lục hợp đồng gia công lại không đúng thời hạn; và
  • Thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất không đúng thời hạn.

Đồng thời, Nghị định cũng sửa đổi lại 06 hành vi cũ được xác định là vi phạm hành chính troong lĩnh vực hải quan là:

  • Khai bổ sung về trị giá hải quan quá thời hạn quy định đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức, hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan;
  • Không xử lý đúng thời hạn quy định đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn và sản phẩm gia công khi hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực;
  • Thông báo bổ sung thông tin không đúng thời hạn quy định khi có sự thay đổi cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu;
  • Lưu giữ hàng hóa trung chuyển quá thời hạn quy định;
  • Khai báo và làm thủ tục sau khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế, hàng áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan; và
  • Không tái xuất PTVT tạm nhập là ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi đúng thời hạn quy định.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thay đổi các mức phạt tiền để phù hợp hơn với tình hình kinh tế và mang tính răn đe cho người thực hiện hành vi vi phạm, điển hình các hành vi sau sẽ được áp dụng mức phạt mới kể từ ngay/12/2020.

Tăng mức phạt tiền lên10 – 20 triệu đồng đối với hành vi:

  • Tạm nhập, tái xuất hàng hóa phải có giấy phép tạm nhập, tái xuất mà không có giấy phép. Ngoài ra còn bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt;
  • Tạm xuất, tái nhập hàng hóa phải có giấy phép tạm xuất, tái nhập mà không có giấy phép mà không có giấy phép tạm xuất, tái nhập.

Giảm mức phạt tiền xuống còn từ 20 – 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

  • Tạm nhập, tái xuất hàng hóa cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu;
  • Tạm xuất, tái nhập hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu mà không có giấy phép tạm xuất, tái nhập.
  • Ngoài bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.
  • Tăng nặng mức phạt tiền lên từ 80 – 100 triệu đồngđối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Bên cạnh đó còn bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.

Các trường hợp không còn bị hủy bỏ hiệu lực của Giấy phép kinh doanh cảng hàng không


Ngày 18/11/2020, Bộ GTVT ban hành Thông tư 30/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 17/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Theo đó, kể từ ngày 15/01/2021, các cá nhân, tổ chức đã được cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không nhưng thuộc các trường hợp dưới đây sẽ không bị hủy bỏ hiệu lực của Giấy phép giống như các quy định trước đây:

  • Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình đề nghị cấp Giấy phép;
  • Không duy trì mức vốn tối thiểu liên tục trong quá trình hoạt động;
  • Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng;
  • Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp;
  • Vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không, điều kiện kinh doanh, giá dịch vụ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; và
  • Không bắt đầu khai thác cảng hàng không trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không phải chấm dứt ngay việc kinh doanh cảng hàng không theo như các quy định cũ.

Các văn bản đáng chú ý khác:

  1. Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi.
  2. Thông tư 14/2020/TT-NHNN quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
  3. Quyết định 436/QĐ-VKSTC năm 2020 quy định về quy trình kiểm sát việc giải quyết phá sản do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.
  4. Thông báo 4875/TB-BLĐTBXH năm 2020 về nghỉ tết Âm lịch và Quốc khánh trong năm 2021 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
  5. Công văn 5189/TCT-CS năm 2020 về giới thiệu nội dung mới của Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý thuế do Tổng cục Thuế ban hành.

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *