BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ 15 THÁNG 09/2021

Ban hành thông tư mới về hướng dẫn trợ giúp xã hội


Ngày 24/6/2021, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, khoản 1 Điều 2 quy định các đối tượng thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng gồm:

  • Đối tượng chết hoặc mất tích;
  • Đối tượng chấp hành án phạt tù ở trại giam hoặc có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về thôi hưởng trợ cấp xã hội;
  • Đối tượng từ chối nhận chế độ, chính sách.
  • Đối tượng được hưởng nhưng không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
  • Sau ba tháng kể từ ngày có quyết định tạm dừng chi trả trợ cấp xã hội mà người phải chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng nhưng không thực hiện.

Công chức phụ trách công tác Lao động, Thương binh và Xã hội cấp xã lập danh sách đối tượng thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi văn bản đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội để tổng hợp, thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

Tạm dừng trợ cấp xã hội nếu 3 tháng liền không nhận


Ngày 24/6/2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư này là các trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2021.

Theo đó, khoản 3 Điều 2 Thông tư nêu rõ, tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng trong các trường hợp sau:

  • Không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 03 tháng trở lên;
  • Không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý;
  • Người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 01 tháng trở lên.

Trong khi đó hiện nay, tại điểm c khoản 4 Thông tư liên tịch 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC chỉ quy định tạm dừng chi trả trợ cấp với trường hợp đối tượng không nhận tiền trợ cấp do chết, mất tích hoặc chuyển khỏi địa bàn.

Ngoài ra, tại Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH cũng tăng mức hỗ trợ tiền ăn đối với các đối tượng: Trẻ em có cả cha và mẹ bị chết, mất tích mà không có người thân thích; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục, thân thể; v.v. khi sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng lên 60.000 đồng (hiện nay, mức hỗ trợ này là 40.000 đồng/người/ngày).

Những chính sách, chế độ quy định tại Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH này được áp dụng từ ngày 01/7/2021.

Một số loại phí, lệ phí tiếp tục được giảm do ảnh hưởng Covid-19 hết năm 2021


Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 47/2021/TT-BTC quy định giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Thông tư 47/2021/TT-BTC, sẽ tiếp tục gia hạn thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng từ ngày 1/7/2021 đến 31/12/2021 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với số giảm thu trong sáu tháng ước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, có nhiều mức phí, lệ phí giảm cao như: Giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% mức thu phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán…

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của nhà nước để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Do đó, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 112/2020/TT-BTC gia hạn giảm 29 khoản phí, lệ phí đến hết tháng 06/2021 như:

  • Lệ phí cấp Căn cước công dân giảm 50%;
  • Lệ phí sở hữu công nghiệp giảm 50%;
  • Phí trong lĩnh vực y tế giảm 30%;
  • Giảm 10 – 30% phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải;
  • Giảm 10% phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; v.v.

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được gộp 2 tháng vào 1 kỳ chi trả tháng 7/2021


Nội dung này được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nêu tại Công văn số 1806/BHXH-TCKT về việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tháng 7 và tháng 8/2021 vào cùng một kỳ chi trả.

Theo đó, để công tác chi trả đảm bảo đầy đủ, kịp thời, an toàn cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã đề nghị Tổng công ty bưu điện Việt Nam và BHXH các tỉnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của tháng 7/2021 và tháng 8/2021 vào cùng một kỳ chi trả.

Đồng nghĩa, kỳ chi trả lương hưu tháng 7/2021 này sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của của tháng 7 và tháng 8/2021.

Công văn cũng yêu cầu, căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể của từng địa phương, địa bàn, cơ quan bưu điện và BHXH các tỉnh lên phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người hưởng nhận bằng tiền mặt đảm bảo an toàn.

Trong đó, khi tổ chức chi trả, các đơn vị phải tránh tập trung đông người, đảm bảo các nguyên tắc an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH.

Đây là lần thứ 3, BHXH Việt Nam gộp chi trả hai tháng lương hưu, trợ cấp BHXH cho các đối tượng được hưởng. Trước đó, BHXH Việt Nam gộp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của tháng 3, tháng 4/2021 và tháng 5, tháng 6/2021.

Thông tư 06/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Phí chuyển tiền liên ngân hàng được giảm 50% kể từ tháng 9/2021


Đây là nội dung chính tại Thông tư số 13/2021/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 23/8/2021, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2013/TT-NHNN về Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN.

Theo đó, tại Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-NHNN bổ sung Điều 1a Thông tư số 26/2013/TT-NHNN như sau: “Điều 1a: Giảm 50% mức phí thanh toán tại điểm 1.1, 1.2 Mục 1 “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” tại Phần III “Phí dịch vụ thanh toán trong nước” Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này trong khoảng thời gian từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022”.

Như vậy, từ ngày 01/9/2021 – hết ngày 30/6/2022, NHNN giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, gồm:

  • Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị cao, trong đó với Lệnh thanh toán mà:
    • Thời điểm Hệ thống nhận giao dịch trước 15h30 trong ngày: Mức phí tối thiểu là 1.000 đồng/món; tối đa là 25.000 đồng/món;
    • Thời điểm Hệ thống nhận giao dịch trong khoảng thời gian từ 15h30 đến khi Hệ thống ngừng nhận Lệnh thanh toán trong ngày: Mức phí tối thiểu là 2.000 đồng/món; tối đa là 50.000 đồng/món.
  • Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp: Mức phí 1.000 đồng/món.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bổ sung thêm phương thức đấu thầu


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về nghiệp vụ thị trường mở.

Theo đó, khoản 1 Điều 1 Thông tư 09/2021/TT-NHNN đã bổ sung về phương thức đấu thầu nêu tại Điều 14 Thông tư 42/2015/TT-NHNN như sau: “Đối với bán (phát hành) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước qua nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo phương thức đấu thầu lãi suất; Ngân hàng Nhà nước bán (phát hành) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước theo phương thức đấu thầu khối lượng trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước cần thông báo lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ”.

Đồng thời, Thông tư 09/2021/TT-NHNN cũng bổ sung về việc thông báo mua, bán giấy tờ có giá. Cụ thể, Sở Giao dịch phải đăng thông báo bán (phát hành) tín phiếu trên Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước chậm nhất vào 13 giờ 30 phút ngày đấu thầu bên cạnh việc thông báo cho các thành viên.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ có chính sách hỗ trợ mới


Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là quy định về hỗ trợ đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Theo đó tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 80/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhiều chính sách hỗ trợ về tư vấn, đào tạo, v.v. đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, cụ thể:

  • Về hỗ trợ tư vấn: Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới tư vấn viên để được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất,… và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp (không bao gồm tư vấn về thủ tục hành chính, pháp lý) được hỗ trợ như sau:
    • Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp siêu nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp xã hội;
    • Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp xã hội;
    • + Hỗ trợ tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 200 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp xã hội.
  • Về hỗ trợ đào tạo trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến:

Hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khoá đào tạo tại doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ nhưng không quá 01 khoá/năm/doanh nghiệp.

Trước đây, theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP, chỉ quy định nội dung miễn học phí tham gia khóa đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ.

Nghị định 80/2021/NĐ-CP được ban hành ngày 26/8/2021 và có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.

Trường hợp được hỗ trợ việc làm khi bị thu hồi đất nông nghiệp


Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được áp dụng từ ngày 01/9/2021.

Trong đó, Điều 4 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT đã bổ sung nội dung xác định đất nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất bên cạnh quy định hỗ trợ ổn định đời sống như quy định trước đây tại Điều 5 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT. Cụ thể, đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất, bao gồm:

  • Đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thực hiện: Nghị định số 64/CP; Nghị định số 85/1999/NĐ-CP; Nghị định số 02/CP; khoản 1 Điều 54 của Luật Đất đai năm 2013; v.v.
  • Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định đang sử dụng do: Nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho và được xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó;
  • Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định đang sử dụng mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, đủ điều kiện được bồi thường về đất, được xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó;
  • Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán đất của nông, lâm trường quốc doanh để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khi bị thu hồi mà thuộc đối tượng đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó;
  • Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng do nhận giao khoán đất của các công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó;
  • Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

Về hỗ trợ việc làm khi Nhà nước thu hồi đất, tại khoản 1 Điều 84 Luật Đất đai 2013 chỉ rõ:

  • Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.
  • Trường hợp người được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thông tư 09/2021/TT-BTNMT được ban hành ngày 30/6/2021.

Các văn bản đáng chú ý khác:

  1. Thông tư 33/2021/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động kiểm dịch và bảo vệ thực vật thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
  2. Quyết định 1662/QÐ-BVHTTDL Công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Văn hoá thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
  3. Thông tư 68/2021/TT-BTC mức thu phí, lệ phí lĩnh vực thú y nhằm hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
  4. Thông tư 63/2021/TT-BTC quản lý kinh phí chi thường xuyên trong quá trình thẩm định hồ sơ vụ việc cạnh tranh.

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *