BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ 14 THÁNG 09/2021

Nhà ở kết hợp kinh doanh tại TP.HCM phải có lối thoát nạn


Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực từ ngày 10/06/2021 sẽ áp dụng những quy định mới về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Một trong những nội dung quan trọng đề cập đến quy định về lối thoát nạn và việc sắp xếp hàng hóa trong nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Cụ thể, tại Điều 7 Quyết định 16/2021/QĐ-UBND quy định lối thoát nạn của loại nhà này phải rộng tối thiểu 0,8m và cao tối thiểu 1,9m. Nếu nhà chỉ có 01 lối thoát nạn thì phải bố trí lối thoát nạn thứ 02 bằng cầu thang ngoài nhà hoặc thang nối giữa các tầng nhà hoặc lối ra khẩn cấp.

Ngoài ra, nhà có tầng sân thượng phải bố trí thông thoáng, có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định. Tại vị trí cửa lên tầng mái nếu bố trí khóa cửa thì phải thiết kế để dễ dàng thao tác mở cửa từ bên trong nếu xảy ra sự cố cháy nổ…

Trường hợp nguời dân vẫn muốn trang bị cửa cuốn, cửa trượt, lưới sắt… phải cam kết chịu trách nhiệm về PCCC. Đồng thời, cửa cuốn phải là loại có cơ cấu tự thu, mở nhanh. Nếu mở bằng điện phải có bộ lưu điện và mở nhanh bằng cơ khi mất điện hoặc mô tơ bị hỏng.

Đặc biệt, các gian phòng tồn chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải được ngăn cách với lối thoát nạn tại các tầng bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy.

Quyết định 16/2021/QĐ-UBND cũng tạo điều kiện cho việc cải tạo nhà đối với các căn nhà vừa ở vừa kinh doanh có trước ngày 10/06. Theo đó, người dân phải cam kết thời gian hoàn thành các nội dung theo quy định PCCC trong 06 tháng. Sau thời gian này, cơ quan chức năng kiểm tra và có hướng xử lý nếu chưa hoàn thành như cam kết.

Thủ tướng yêu cầu xem xét giảm giờ làm việc bình thường


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Theo đó, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao mức sống của công nhân lao động, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Song song đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phải thực hiện một số nhiệm vụ đáng chú ý sau:

  • Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động;
  • Điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người lao động do tác động của đại dịch Covid-19; khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ cho công nhân lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn để vượt qua đại dịch Covid-19 nhằm bảo đảm tình hình lao động, việc làm.
  • Sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phải tiếp tục quan tâm đến đời sống của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn, quy định về bữa ăn theo ca cho các đối tượng này, đảm bảo dinh dưỡng, mức bồi dưỡng cho lao động đặc thù…

Chỉ thị 16/CT-TTg được ban hành ngày 14/6/2021.

Người dân có thể thông báo thông tin lưu trú bằng nhiều cách đến cơ quan có thẩm quyền


Bộ Công an ban hành Thông tư 55/2021/TT-BCA hướng dẫn cụ thể cách thức người dân thực hiện thông báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú 2020 từ ngày 01/7/2021 tới đây. Cụ thể, người dân thực hiện thông báo lưu trú theo 04 cách sau:

  • Tới trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú;
  • Qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
  • Trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
  • Ứng dụng trên thiết bị điện tử.

Việc thông báo lưu trú được áp dụng đối với trường hợp người dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Như vậy, từ ngày 01/7/2021, người dân khi tới nơi khác trong thời gian ít hơn 30 ngày phải thực hiện thông báo lưu trú đầy đủ theo một trong các cách trên. Trường hợp ở lại từ 30 ngày trở lên phải thực hiện đăng ký tạm trú (theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020).

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đang áp dụng hiện nay, hành vi không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng. Tuy nhiên, Bộ Công an hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội thay thế cho Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Nếu dự thảo được thông qua trong thời gian tới, trường hợp không thông báo lưu trú có thể bị phạt tiền lên tới 500.000 đồng.

Không được đăng ký thường trú, tạm trú tại một số địa điểm theo quy định


Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật cư trú 2020 là quy định 05 địa điểm không được đăng ký thường trú/tạm trú.

Cụ thể, Điều 23 Luật cư trú 2020 quy định 05 địa điểm không được đăng ký thường trú mới bao gồm:

  • Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
  • Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật
  • Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
  • Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
  • Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tương tự, khoản 3 Điều 27 Luật cư trú cũng quy định công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở thuộc 05 địa điểm nêu trên.

Quy định về các địa điểm không được đăng ký thường trú, tạm trú trước đây không hề được quy định tại Luật Cư trú 2006.

Áp dụng 12 biểu mẫu mới dành riêng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ ngày 01/08/2021


Ngày 01/06/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ 01/8/2021. Kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC là 12 biểu mẫu thuế dành cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, cụ thể:

  • Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh – ký hiệu là 01/CNKD;
  • Phụ lục Bảng kê chi tiết cá nhân kinh doanh (Kèm theo Tờ khai 01/CNKD áp dụng đối với tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân; cá nhân hợp tác kinh doanh với tổ chức; tổ chức chi trả cho cá nhân đạt doanh số; tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử; tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài) – ký hiệu là 01-1/BK-CNKD;
  • Phụ lục Bảng kê hoạt động kinh doanh trong kỳ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Kèm theo Tờ khai 01/CNKD áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai) – ký hiệu là 01-2/BK-HĐKD;
  • Thông báo về việc dự kiến doanh thu, mức thuế khoán (Áp dụng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán)- ký hiệu là 01/TBTDK-CNKD;
  • Bảng công khai thông tin cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán – ký hiệu là 01/CKTT- CNKD;
  • Thông báo về việc không điều chỉnh mức thuế khoán (Áp dụng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán) – ký hiệu là 01/TBKĐC-CNK;
  • Tờ khai đối với hoạt động cho thuê tài sản (Áp dụng đối với cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế và tổ chức khai thuế thay cho cá nhân)- ký hiệu là 01/TTS;
  • Phụ lục bảng kê chi tiết hợp đồng cho thuê tài sản (Áp dụng đối với cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế nếu là lần khai thuế đầu tiên của Hợp đồng hoặc Phụ lục hợp đồng)- ký hiệu là 01-1/BK-TTS;
  • Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân cho thuê tài sản (Áp dụng đối với tổ chức khai thay cho cá nhân cho thuê tài sản) – ký hiệu là 01-2/BK-TTS.
  • Tờ khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (Áp dụng cho doanh nghiệp xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp trả tiền hoa hồng cho cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý bán đúng giá; doanh nghiệp bảo hiểm trả phí tích lũy bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác) – ký hiệu là 01/XSBHĐC;
  • Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp (Kèm theo Tờ khai 01/KK-XSBHĐC kê khai vào hồ sơ khai thuế của tháng/quý cuối cùng trong năm tính thuế) – ký hiệu là 01-1/BK-XSBHĐC;
  • Tờ khai thuế năm (Áp dụng đối với cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp, hoạt động kinh doanh khác chưa khấu trừ, nộp thuế trong năm) – ký hiệu là 01/TKN-CNKD.

Không phải cung cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi xuất trình thẻ Căn cước công dân


Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 59/2021/TT-BCA hướng dẫn Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015. Điều 12 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định về việc xác nhận số Chứng minh nhân dân như sau:

  • Mã QR code trên thẻ Căn cước công dân có lưu thông tin về số Chứng minh nhân dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số Chứng minh nhân dân của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
  • Trường hợp trong mã QR code trên thẻ Căn cước công dân không có thông tin về số Chứng minh nhân dân cũ thì cơ quan Công an có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu.

Như vậy, người dân không còn phải lo lắng khi đổi sang Căn cước công dân gắn chip, có số khác với số Chứng minh nhân dân (gọi tắt là “CMND) cũ thì các giao dịch, thủ tục trước đây sử dụng số CMND cũ sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Thông tư 59/2021/TT-BCA cũng có thêm một số quy định đáng chú ý khác như: Thu hồi CMND cũ, Căn cước công dân mã vạch khi người dân làm thủ tục đổi sang Căn cước công dân gắn chip, thay vì cắt góc và trả lại cho người dân như trước đây.

Cách tính thuế mới đối với người cho thuê nhà từ 01/8/2021


Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Theo đó, một trong những nội dung mới đáng chú ý của Thông tư này là quy định về phương pháp tính thuế của cá nhân, hộ kinh doanh cho thuê tài sản. Cụ thể, tại điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC nêu rõ:

Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản

Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 92/2015/TT-BTC đang quy định mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định không phải nộp thuế GTGT, TNCN là tổng doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của các hợp đồng cho thuê tài sản.

  • Ví dụ: Ông X có cho thuê nhà với số tiền cho thuê là 10 triệu đồng/tháng từ tháng 11/2022 đến hết tháng 10/2023. Doanh thu thực tế năm 2022 là 20 triệu đồng nhưng tổng doanh thu tính theo 12 tháng của năm 2022 là 120 triệu đồng. Doanh thu thực tế năm 2023 là 100 triệu đồng nhưng tổng doanh thu tính theo 12 tháng của năm 2023 là 120 triệu đồng. Do đó, theo quy định mới tại Thông tư 40/2021/TT-BTC, ông B phải chịu thuế GTGT, thuế TNCN tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh của năm 2022 và năm 2023 theo hợp đồng nêu trên.

Như vậy, theo quy định trước đây, năm nào người cho thuê nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng thì thuộc diện phải nộp thuế. Ngược lại, nếu không có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp cho năm đó. Còn theo quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2021, Thông tư 40/2021/TT-BTC xác định diện nộp thuế căn cứ vào tổng doanh thu của một năm đó.

Các văn bản đáng chú ý khác:

  1. Thông tư 40/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
  2. Thông tư 43/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *