BẢN TIN LAO ĐỘNG SỐ 04 THÁNG 01/2021

Các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động

Theo quy định tại Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019Nghị định 152/2020/NĐ-CP, các trường hợp được miễn cấp giấy phép lao động bao gồm:

  • Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;
  • Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ;
  • Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được;
  • Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư;
  • Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
  • Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam;
  • Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;
  • Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;
  • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải;
  • Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài;
  • Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
  • Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên hợp quốc; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia;
  • Tình nguyện viên là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
  • Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm;
  • Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật;
  • Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam;
  • Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viênCó hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
  • Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
  • Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.

Các trường hợp thu hồi giấy phép lao động

Căn cứ Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về việc quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) sẽ bị thu hồi giấy phép lao động khi:

  • Giấy phép lao động hết thời hạn;
  • Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ);
  • Nội dung của HĐLĐ không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp;
  • Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp;
  • Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt;
  • Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
  • Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động;
  • NSDLĐ hoặc NLĐ nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP;
  • NLĐ nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Như vậy, trường hợp “Hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế hết thời hạn hoặc chấm dứt” tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP, đã được khái quát hơn tại Nghị định 152/2020, thành “Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động”.

Ngoài ra, quy định “NLĐ nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, cũng là trường hợp vừa được bổ sung tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Có thể xem quy định này là cơ sở nhằm xác định hướng xử lý đối với NLĐ vi phạm pháp luật Việt Nam trong tương lai.

Quy định mới về việc cho thuê lại lao động

Căn cứ quy định tại Điều 52 BLLĐ 2019, cho thuê lại lao động là việc NLĐ giao kết HĐLĐ với một NSDLĐ là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó NLĐ được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của NSDLĐ khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với NSDLĐ đã giao kết HĐLĐ. Ngoài ra, hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.

Việc cho thuê lại lao động về cơ bản, đã được quy định chặt chẽ hơn so với quy định trước đó. Qua đó, góp phần hạn chế việc cho thuê lại lao động trái pháp luật trước đây.

 

c văn bản đáng chú ý khác:

  1. Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
  2. Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
  3. Bộ luật lao động 2019 số 45/2019/QH14 được Quốc hội khóa 14 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 20/11/2019.

 

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *