Quy định cụ thể hơn về thời hiệu tranh chấp lao động tập thể
Tại BLLĐ 2012, quy định thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Đối chiếu với quy định hiện hành, thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền quy định như sau:
- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm;
- Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm;
- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
Người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương
Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm quy định người lao động (NLĐ) có thể ủy quyền cho người khác nhận lương thay mình.
Theo đó, trong trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Trước đó nội dung này không được quy định tại Bộ luật Lao động 2012. Việc cho phép người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương được cho là hợp lý, nhất là trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương.
Ghi nhận thêm phương thức mới khi giao kết hợp đồng lao động
Theo BLLĐ 2012, thì hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải được giao kết bằng văn bản và đối với công việc làm tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng thì các bên có thể được giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Tuy nhiên kể từ ngày 01/01/2021, thì pháp luật ghi nhận thêm hình thức mới đó là giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và nó có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản.
Quy định này được cho phù hợp đối với các bên trong quan hệ lao động, có thể linh hoạt hơn trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như sự bùng nổ của công nghệ thông tin và dịch chuyển lao động toàn cầu, thì hình thức HĐLĐ bằng “văn bản” không chỉ hiểu ở dạng “giấy tờ” mà còn tồn tại dưới các hình thức thư điện tử, email, v.v.
Bổ sung thêm nhiều nội dung trong nội quy lao động
Theo quy định tại điều 118 của BLLĐ 2012 thì nội quy lao động phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trật tự tại nơi làm việc;
- An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;
- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của Người sử dụng lao động;
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của Người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
Theo quy định tại BLLĐ 2019, nội quy lao động được bổ sung 03 nội dung sau:
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Trường hợp được tạm thời chuyển NLĐ làm việc khác so với hợp đồng lao động;
- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy, kể từ năm 2021, NSDLĐ phải bổ sung thêm các nội dung trên trong nội quy lao động để phù hợp với quy định của pháp luật.
Được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi
Kể từ ngày 01/01/2021, BLLĐ 2019 cho phép NSDLĐ có thể thỏa thuận và giao kết nhiều lần hợp đồng xác định thời hạn với lao động là người cao tuổi. Thay vì kéo dài thời hạn HĐLĐ thông qua phụ lục hoặc giao kết HĐLĐ mới như quy định tại BLLĐ 2012.
Có thể thấy, hiện tại người cao tuổi là một bộ phận NLĐ có nhiều năm kinh nghiệm, nguồn nhân sự làm việc có hiệu quả. Tận dụng lợi thế và phát huy giá trị này nên tại BLLĐ 2019 mới quy định theo hướng vừa có lợi đối với NLĐ và cả đối với NSDLĐ.
Các văn bản đáng chú ý khác:
- Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
- Bộ luật lao động 2019 số 45/2019/QH14 được Quốc hội khóa 14 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 20/11/2019.
Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn