BẢN TIN DOANH NGHIỆP SỐ 02 THÁNG 01/2021

Rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh


Theo quy định cũ trước đây, các Doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh phải thông báo bằng văn bản có chứa nội dung về thời điểm, thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Kể từ ngày 01/01/2021, các doanh nghiệp khi tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh thì chỉ phải báo trước 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Như vậy thời hạn báo trước đã rút ngắn hơn so với quy định trước đây từ chậm nhất 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc.

Bổ sung hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp


Kể từ ngày 01/01/2021, cá nhân đăng ký thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và Công ty Cổ phần (CTCP) thì phải nộp bổ sung bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật theo Điều 21 và Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2020. Đây là điểm mới so với Luật Doanh nghiệp 2014, cụ thể Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ yêu cầu cung cấp bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên/cổ đông sáng lập.

Ngoài ra, Luật doanh nghiệp 2020 đã thay thế thuật ngữ “Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác” thành thuật ngữ “giấy tờ pháp lý”. Bên cạnh đó, luật mới cũng phân định rõ 02 nhóm Giấy tờ pháp lý như sau:

  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân:gồm các loại giấy tờ là thẻ Căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác.
  • Giấy tờ pháp lý của tổ chức:gồm các loại giấy tờ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tài liệu tương đương khác.

Thêm trường hợp đặc biệt áp dụng xử lý phần vốn góp theo luật


Tại Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt, so với quy định trước đó tại Luật Doanh nghiệp 2014, đã có một số trường hợp thay đổi đáng chú ý.

Cụ thể, với quy định về trường hợp thành viên bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ có người giám hộ thực hiện quyền và nghĩa vụ của thành viên đó. Luật doanh nghiệp hiện hành đã bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, đồng thời thay thế người giám hộ thành người đại diện, thực hiện quyền và nghĩa vụ thay cho thành viên đó.

Với quy định về đối tượng được tặng cho vốn góp đương nhiên thành thành viên Công ty tại khoản 5 Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2014, cụ thể: “người được tặng cho là vợ, chồng, cha, mẹ, con, người có quan hệ họ hàng đến hàng thừa kế thứ ba” sẽ được sửa đổi thành “người được tặng cho thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Điều này sẽ khiến phạm vi đối tượng được tặng cho đương nhiên là thành viên Công ty được mở rộng thành đối tượng được thừa kế theo pháp luật (ví dụ: con nuôi, mẹ nuôi, cha nuôi, v.v.).

Ngoài ra, cũng có một số quy định sau đây về xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt, được bổ sung tại Luật Doanh nghiệp 2020:

  • Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty;
  • Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị Tòa án cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc thành viên công ty là pháp nhân thương mại bị Tòa án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của công ty thì thành viên đó không được hành nghề, làm công việc đã bị cấm tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.

Thay đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông


Tại Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông phổ thông hoặc nhóm cổ đông phổ thông, có quyền cộng thêm, được quy định có số cổ phần từ 5% trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo Điều lệ. Điều này là một thay đổi lớn so với quy định trước đó, khi chỉ có cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên mới có quyền công thêm. Các quyền cộng thêm của cổ đông theo quy định mới gồm những quyền sau đây:

  • Xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
  • Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
  • Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;
  • Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông cũng có sự thay đổi đáng kể. Kể từ ngày 01/01/2020, nghĩa vụ của cổ đông phổ thông sẽ là nghĩa vụ của tất cả cổ đông trong CTCP. Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông, bổ sung thêm một số nghĩa vụ, gồm:

  • Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.
  • Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.
  • Tuân thủ Điều lệ công ty và quy chế quản lý nội bộ của công ty.
  • Chấp hành nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.
  • Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.
  • Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh


Theo khoản 1 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp sau đây:

  • Tự nguyện rút vốn khỏi công ty;
  • Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
  • Bị khai trừ khỏi công ty;
  • Chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật;
  • Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

So với Luật Doanh nghiệp 2014, nhà làm luật đã bổ sung thêm trường hợp “có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” và “chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật” là căn cứ, nhằm chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.

Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thực hiện quyền trong một số trường hợp đặc biệt


Kể từ năm 2021, Chủ Doanh nghiệp tư nhân có thể thực hiện một số quyền đặc biệt của mình trong một số trường hợp như sau:

  • Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
  • Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
  • Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
  • Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện thông qua người đại diện.
  • Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế hoặc mất năng lực hành ông việc nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân cho cá nhân, tổ chức khác.

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *