BẢN TIN LAO ĐỘNG SỐ 05 THÁNG 03/2021

Mở rộng về khái niệm kỷ luật lao động

Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2019 đã được mở rộng khái niệm về kỷ luật lao động tại Điều 117: “Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định”.

Như vậy, kỷ luật lao động không còn bị bó hẹp trong nội quy lao động mà được mở rộng tới mức “do pháp luật quy định”.

Từ năm 2020, điều chỉnh về hình thức xử lý kỷ luật lao động

Trước đây, BLLĐ 2012 đã quy định 03 hình thức xử lý kỷ luật lao động tại Điều 125 bao gồm:

  • Khiển trách;
  • Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; và
  • Sa thải.

Tuy nhiên, tại Điều 124 BLLĐ 2019, hai hình thức xử lý kỷ luật lao động là kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng và cách chức đã được tách thành hai hình thức riêng biệt.

Như vậy, có thể hiểu rằng, hiện nay có 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động, gồm:

  • Khiển trách;
  • Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng;
  • Cách chức; và
  • Sa thải.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị xử lý kỷ luật lao động dưới hình thức sa thải

Ngoài các hành vi bị xử lý kỷ luật lao động dưới hình thức sa thải mà BLLĐ 2012 đã quy định, BLLĐ 2019 còn bổ sung thêm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật lao động dưới hình thức sa thải.

Đây là quy định được nhiều doanh nghiệp mong đợi, vì trước đây, doanh nghiệp không thể xử lý mạnh tay đối với những người lao động đã có hành vi quấy rối tình dục ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động

Theo Khoản 3 Điều 128 BLLĐ 2012 quy định thì chỉ cho phép xử lý kỷ luật lao động đối với những hành vi vi phạm được quy định trong nội quy lao động.

Quy định này là rào cản đối với việc xử lý khi có vi phạm ngoài nội quy lao động. Đặc biệt đối với những công việc đặc thù, vị trí, chức danh người quản lý, người lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, v.v có thể có thêm hợp đồng trách nhiệm hoặc có những điều khoản thỏa thuận cụ thể riêng trong hợp đồng lao động. Khi người lao động vi phạm điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng lao động, hợp đồng trách nhiệm hoặc vi phạm pháp luật lao động thì lại không có cơ chế để xử lý kỷ luật lao động.

Do đó, BLLĐ 2019 đã khắc phục hạn chế này bằng cách liệt kê bổ sung hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, trong đó Khoản 3 Điều 127 quy định:

“Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định”.

Quy định này đã tạo hành lang pháp lý cho phép người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động khi người lao động vi phạm các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc vi phạm pháp luật lao động. Đây là quy định rất hợp lý và phù hợp với thực tiễn bởi người sử dụng lao động không thể dự liệu hết được các tình huống, các hành vi vi phạm để quy định trong nội quy lao động theo như quy định của BLLĐ 2012.

Bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động

Điều 127 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động:

  • Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
  • Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
  • Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

Theo đó, so với quy định hiện hành, BLLĐ 2019 bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động là: xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định. 

 

Các văn bản đáng chú ý khác:

  1. Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu;
  2. Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

 

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *