Bán rượu dưới 5,5 độ không bắt buộc phải có giấy phép
Ngày 05/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 22/3/2020) sửa đổi, bổ sung các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương, trong đó có điều kiện kinh doanh rượu.
Theo đó các nguyên tắc quản lý rượu đã được định cụ thể, rõ ràng hơn, đặc biệt là những nội dung liên quan đến giấy phép, cụ thể như sau:
• Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép;
• Thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện;
• Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
Với quy định này, chỉ có thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ mới phải có Giấy phép, còn các trường hợp khác thì chỉ cần đăng ký cấp giấy phép khi sản xuất, kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 dộ trở lên.
Muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt
Ngày 03/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 20/3/2020) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật quốc tịch Việt Nam, trong đó bổ sung thêm các điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam, cụ thể:
• Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam: Có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam;
• Đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú; và
• Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam và được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Ngoài ra, đối với các trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:
• Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam;
• Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
• Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước đó;
• Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng; và
• Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung quy định về bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án
Nghị định số 33/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/5/2020) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định về bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án, cụ thể như sau:
• Trước khi bán đấu giá tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung mà có nhiều chủ sở hữu chung đề nghị mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định thì Chấp hành viên thông báo cho các chủ sở hữu chung đó thỏa thuận người được quyền mua. Nếu không thỏa thuận được thì Chấp hành viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người được mua tài sản.
• Trường hợp trong cùng một cuộc đấu giá mà có nhiều tài sản được đấu giá để thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tổ chức đấu giá thực hiện việc đấu giá theo thứ tự từ tài sản có giá trị lớn nhất. Số tiền thu được đã đủ để thi hành nghĩa vụ và các chi phí theo quy định thì không tiếp tục đấu giá các tài sản còn lại.
• Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm.
• Tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
• Trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào thì sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác.
Tiếp tục thí điểm cho người bán dâm hoàn lương vay vốn làm ăn
Ngày 03/02/2020, Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/3/2020, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 29/2014/ QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy… tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31/12/2020. Từ năm 2021 trở đi, thông qua đánh giá kết quả đạt được sẽ xem xét quyết định việc mở rộng trên phạm vi cả nước.
Trong năm 2020, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, … vẫn được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn vay tối đa là 60 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
Mục đích vay vốn chỉ được dùng cho việc mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, đầu tư làm các nghề thủ công, góp vốn kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác…
Lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng
Ngày 31/3/2020, Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg được ban hành và chính thức có hiệu lực ngày 15/5 về thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc có quy định lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng.
Theo Quyết định này, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài) phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo đó, mức ký quỹ là 100 triệu đồng trong thời hạn ký quỹ tối đa là 05 năm 06 tháng.
Trong 35 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi đăng ký thường trú.
Các văn bản đáng chú ý khác
1.Nghị định số 31/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực ngày 01/5/2020.
2. Nghị định 38/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 20/5/2020.
3. Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử có hiệu lực từ ngày 22/5/2020.
4. Thông tư số 01/2020/TT-BNV bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.
5. Nghị định 44/2020/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại có hiệu lực từ ngày 01/6/2020.
Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư ván pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ: Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn.