Giá xét nghiệm Covid-19 cao nhất 734.000 đồng/mẫu
Ngày 28/5/2021 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 4356/BYT-KHTC hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Đối với đối tượng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) khi xét nghiệm Covid-19:
- Thời điểm và đối tượng thanh toán BHYT: Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
- Mức giá thanh toán: Theo Công văn 4068/BYT-KH-TC là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm;
- Thanh toán đối với trường hợp xét nghiệm mẫu đơn:
- Tiếp tục áp dụng mức giá dịch vụ số 1735 là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm;
- Trong trường hợp đơn vị lấy mẫu phải gửi mẫu xét nghiệm cho đơn vị khác thực hiện: Mức giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm: 117.800 đồng/mẫu. Mức giá thực hiện xét nghiệm: 616.200 đồng/mẫu.
- Thanh toán đối với trường hợp xét nghiệm gộp mẫu:
- Mức giá lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu;
- Mức giá việc thực hiện xét nghiệm: 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp;
- Trường hợp gộp mẫu phát hiện dương tính, phải tiếp tục làm các xét nghiệm mẫu đơn thì chi phí tính tiếp theo trường hợp mẫu đơn.
Đối với đối tượng không thanh toán BHYT
- Trường hợp mẫu đơn: Mức giá tối đa của dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng (áp dụng cho mẫu đơn) là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm; trong đó:
- Mức giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm: tối đa 117.800 đồng/mẫu;
- Mức giá thực hiện xét nghiệm: tối đa 616.200 đồng/mẫu.
- Trường hợp xét nghiệm gộp mẫu: Trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định mức giá cụ thể của dịch vụ 1735 nêu trên có định mức kinh tế kỹ thuật thì xác định chi phí lấy mẫu, chi phí xét nghiệm theo định mức; trường hợp không có định mức thì xác định chi phí lấy mẫu và chi phí xét nghiệm tương đương với tỷ lệ cơ cấu chi phí nêu trên.
Trường hợp không có quyết định phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật, Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời chi phí thực hiện xét nghiệm như sau:
- Mức giá tối đa lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu;
- Mức giá tối đa của việc thực hiện xét nghiệm: 634.000 đồng chia cho tổng số mẫu gộp.
Buộc xét nghiệm Covid-19 hằng tuần đối với một số đối tượng
Ngày 28/5/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 4352/BYT-MT gửi các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.
Theo Công văn, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hằng tuần cho các đối tượng liên quan và báo cáo kết quả cho Sở Y tế. Các đối tượng phải xét nghiệm hằng tuần bao gồm:
- Toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp như: ăn uống, dịch vụ khách sạn, lưu trú cho chuyên gia, vận chuyển vật tư, hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc …;
- Xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp và khu nhà trọ của người lao động có nguy cơ.
Ngoài ra, nội dung Công văn 4352/BYT-MT cũng đề cập đến một số vấn đề sau:
- Yêu cầu quản lý chặt chẽ người lao động đi, đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao. Yêu cầu phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong khu công nghiệp và những người liên quan (người cung cấp dịch vụ, suất ăn, vận chuyển vật tư, hàng hóa…);
- Yêu cầu các phương tiện vận chuyển người lao động đảm bảo các quy định phòng, chống dịch gồm giãn cách sử dụng dưới 50% công suất vận chuyển), mở cửa sổ (nếu có) và hạn chế sử dụng điều hòa, vệ sinh khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần đưa đón người lao động và thực hiện 5K;
- Khi có ca mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, trước khi đưa các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đi cách ly y tế thì phải thực hiện phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng sản xuất và mức độ nguy cơ tiếp xúc; Những nhóm có cùng nguy cơ bố trí cách ly y tế trong cùng phân khu cách ly.
Tối giản hồ sơ cần mang theo khi đăng ký tạm trú kể từ ngày 01/7/2021
Đây là nội dung đáng chú ý được nêu tại Luật Cư trú 2020 sẽ có hiệu lực từ 01/7/2021 tới đây. Trong đó, đáng chú ý là có nhiều quy định mới liên quan đến việc đăng ký tạm trú của công dân.
Theo đó, khoản 1 Điều 28 Luật Cư trú 2020 quy định về hồ sơ khi công dân thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú gồm:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Cư trú 2006, sửa đổi, bổ sung 2013, khi đi đăng ký tạm trú, công dân phải:
Xuất trình các giấy tờ:
- Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú;
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó.
Nộp các giấy tờ:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Bản khai nhân khẩu.
Trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Như vậy, có thể thấy, sắp tới đây, khi muốn đăng ký tạm trú thì người dân không cần phải nộp quá nhiều giấy tờ như quy định trước đó.
Luật Cư trú 2021 được Quốc hội chính thức có hiệu lực ngày 01/7/2021.
Giảm mức phạt khi chở vật liệu làm rơi vãi ra môi trường
Ngày 24/5/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nghị định 55/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 – 4.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông. Đây có thể được xem là mức phạt nhẹ hơn rất nhiều so với mức phạt tiền trước đó tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP vốn được quy định từ 7.000.000 – 10.000.000 đồng.
Nghị định 55/2021/NĐ-CP cũng bổ sung, sửa đổi một số quy định như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng đối với hành vi không có biên bản bàn giao rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định;
- Phạt tiền từ 50.000.000 – 70.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung trong phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, trừ trường hợp vi phạm quy định về thực hiện quan trắc, giám sát môi trường xung quanh;
- Phạt tiền từ 70.000.000 – 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện một trong các nội dung trong phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, trừ trường hợp vi phạm quy định về thực hiện quan trắc, giám sát môi trường xung quanh;
- Phạt tiền từ 140.000.000 – 160.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án xử lý rác thải sinh hoạt được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định;
- Phạt tiền từ 50.000.000 – 70.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung trong phương án xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, trừ các trường hợp: vi phạm quy định về thực hiện quan trắc, giám sát môi trường xung quanh và trường hợp quy định tại điểm d khoản 8 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP;
- Phạt tiền từ 70.000.000 – 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện một trong các nội dung trong phương án xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, trừ các trường hợp vi phạm quy định về thực hiện quan trắc, giám sát môi trường xung quanh và trường hợp quy định tại điểm e khoản 8 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP;
- Phạt tiền từ 140.000.000 – 160.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.
Nghị định 55/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/7/2021.
TP.HCM hỗ trợ người lao động có nơi làm việc bị phong tỏa vì Covid
Mới đây, Liên đoàn Lao động TP. HCM đã có Công văn 374/LĐLĐ-CSPL hướng dẫn thực hiện Quyết định 2606/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ khẩn cấp đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 kể từ ngày 27/4/2021.
Công văn này hướng dẫn các trường hợp đặc biệt khác quy định tại khoản 6 Điều 1 Quyết định 2606/QĐ-TLĐ, khi có một trong các điều kiện:
- Người lao động phải ngừng việc do thu hẹp sản xuất, do nơi làm việc bị phong tỏa, cách ly do dịch Covid-19;
- Người lao động nghỉ việc, mất việc mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp;
- Người lao động có cha/mẹ/vợ/chồng/con cùng phải cách ly y tế tại nhà hoặc một người là F0, F1;
- Thành viên của tổ an toàn phòng chống dịch hoặc đoàn viên được huy động tham gia công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch của các cơ quan chức năng.
Hồ sơ hưởng hỗ trợ gồm:
- Quyết định của Ban Thường vụ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về việc chi hỗ trợ đơn vị tuyến đầu chống dịch;
- Bản sao văn bản của cấp có thẩm quyền về các trường hợp cách ly tập trung của đối tượng được hỗ trợ quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 1 Quyết định 2606/QĐ-TLĐ;
- Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được hỗ trợ theo mục 1 hướng dẫn tại Công văn này;
- Thông báo phân công nhiệm vụ và bảng chấm công của đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 2 Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ;
- Biên bản họp Ban Thường vụ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về xét duyệt các đối tượng được hỗ trợ theo khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 1 và khoản 1, 3 Điều 2 Quyết định 2606/QĐ-TLĐ;
- Văn bản đề xuất của đơn vị kinh tế, sự nghiệp, các công đoàn cơ sở trực thuộc toàn diện Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh (kèm hồ sơ chứng minh) chăm lo cho các đối tượng thuộc khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 1 và khoản 1, 3 Điều 2 Quyết định 2606/QĐ-TLĐ và theo hướng dẫn tại Công văn này;
- Văn bản đề xuất của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kèm danh sách đối tượng hỗ trợ, áp dụng trong trường hợp đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cấp bù kinh phí để chi hỗ trợ nêu tại khoản 2 hướng dẫn này (các hồ sơ chứng minh từng trường hợp cụ thể do đơn vị đề xuất lưu trữ);
- Danh sách ký nhận của các đơn vị, cá nhân được hỗ trợ (chi bằng tiền mặt). Trường hợp chi hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị từ 20.000.000 đồng phải thực hiện chuyển khoản (kèm chứng từ chuyển khoản).
Trường hợp cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ không thể trực tiếp nhận tiền, có thể chuyển khoản trực tiếp và đính kèm chứng từ chuyển khoản (cho từng cá nhân hoặc theo lộ nhiều cá nhân) trong hồ sơ quyết toán.
Không cần thẻ giấy Bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh kể từ ngày 01/6/2021
Ngày 31/5/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 1493/BHXH-CSYT về việc sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 01/6/2021, người dân trên toàn quốc sẽ được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.
Theo đó, cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (trường hợp này chỉ áp dụng với cơ sở khám, chữa bệnh không có đầu đọc).
Đồng thời, cơ sở khám, chữa bệnh có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết.
Đây là bước đi phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam. Người sử dụng thẻ không lo mất, quên thẻ BHYT như đã xảy ra với thẻ giấy và giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh cho cả người bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, việc sử dụng ảnh thẻ BHYT thay cho thẻ giấy còn giúp người dân hạn chế đi lại, không phải giao dịch trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội. Qua đó, cũng góp phần phòng, tránh tập trung đông người trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện thí điểm việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong thời gian qua và đã mang lại nhiều tiện lợi cho người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh.
Nhận thấy những lợi ích đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất với Bộ Y tế việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong khám, chữa bệnh BHYT tại Công văn 1115/BHXH-TST thống nhất việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh từ ngày 01/6/2021.
Các văn bản đáng chú ý khác:
1. Thông tư 32/2021/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần;
2. Công văn 2059/TLĐ lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn;
3. Thông tư 14/2021/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo;
4. Quyết định 623/QĐ-LĐTBXH về việc hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19;
5. Công văn 4403/CV-BCĐ về việc triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung;
6. Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19”.
Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn