BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ 09 THÁNG 06/2021

Hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong đợt dịch bùng phát từ 27/4/2021


Việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 04 kể từ ngày 27/4/2021 được nêu tại Quyết định 2606/QĐ-TLĐ.

Theo đó, Điều 1 Quyết định 2606/QĐ-TLĐ quy định, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 04 kể từ ngày 27/4/2021, hỗ trợ đoàn viên, người lao động là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung, không vi phạm phòng, chống dịch: 1,5 triệu đồng/người.

Ngoài ra, các đối tượng khác được hỗ trợ với mức tối đa như sau:

  • Lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung: 10 – 50 triệu đồng/đơn vị.
  • Đoàn viên; người lao động là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm phòng, chống dịch: 03 triệu đồng/người.
  • Đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung, không vi phạm phòng, chống dịch: 1,5 triệu đồng/người.
  • Đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp có công đoàn có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 06 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa: 500.000 đồng/người…

Quyết định 2606/QĐ-TLĐ ban hành và có hiệu lực từ ngày 19/5/2021.

Các trường hợp được miễn lệ phí cấp hộ chiếu


Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Cụ thể, khoản 2 Điều 5 Thông tư 25/2021/TT-BTC quy định miễn lệ phí cấp hộ chiếu đối với:

  • Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu;
  • Người Việt Nam ở nước ngoài phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu;
  • Những trường hợp vì lý do nhân đạo.

Những trường hợp này, tổ chức thu lệ phí phải đóng dấu “Miễn thu lệ phí” (GRATIS) vào giấy tờ đã cấp.

Hiện nay, theo Thông tư 219/2016/TT-BTC đang có hiệu lực, không có quy định về các trường hợp được miễn lệ phí cấp hộ chiếu.

Bên cạnh đó, Thông tư 25/2021/TT-BTC cũng bổ sung thêm trường hợp được miễn phí cấp hộ chiếu đối với trường hợp cấp thị thực, tạm trú cho người nước ngoài ở Việt Nam vi phạm pháp luật bị xử lý nhưng không có khả năng tài chính và cơ quan đại diện của nước có công dân không chịu kinh phí hoặc không có cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm pháp luật ở Việt Nam. Việc xác định người nước ngoài ở Việt Nam vi phạm pháp luật bị xử lý thuộc diện miễn phí trong trường hợp này do tổ chức thu phí xem xét quyết định trong từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Thông tư 25/2021/TT-BTC được ban hành ngày 07/4/2021, có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.

Những vật nguy hiểm cấm mang lên tàu bay


Danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm mang vào khu vực hạn chế, mang lên tàu bay được Cục hàng không Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-CHK ngày 07/5/2021.

Theo đó, danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm mang vào khu vực hạn chế, khoang hành khách của tàu bay gồm:

  • Chất nổ và các chất gây cháy, nổ và các vật có thành phần như: ngòi nổ, dây nổ và các thành phần cấu thành khác được sử dụng để gây sát thương hoặc đe dọa đến sự an toàn của tàu bay như các loại đạn, kíp nổ, ngòi nổ, mìn, lựu đạn, pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa, pháo bông, pháo sáng…
  • Vũ khí, súng và các vật dụng được thiết kế để gây sát thương hoặc giống vũ khí như súng ngắn, súng trường, tiểu liên, súng săn, các đồ chơi giống vũ khí thật, súng hơi, súng bắn pháo hoa, súng hiệu lệnh…
  • Các chất hóa học như các loại bình xịt, khí…
  • Các vật có lưỡi sắc, đầu nhọn và các thiết bị khi phóng (bắn) có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng như dao lam, dao rọc giấy, súng tự chế, súng cao su, các loại dao có lưỡi dài trên 06 cm, chân đế máy ảnh, camera, gậy, cán ô có đầu nhọn bịt kim loại…
  • Các dụng cụ lao động có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng hoặc đe dọa đến an toàn của tàu bay như xà beng, cuốc, xẻng, mai, liềm, cuốc chim, khoan…
  • Chất lỏng, chất đặc sánh…

Đồng thời, các vật nguy hiểm cấm mang lên khoang hàng tàu bay gồm:

  • Đạn;
  • Các loại kíp nổ;
  • Các loại ngòi nổ, dây cháy chậm;
  • Mìn, lựu đạn, thiết bị nổ quân dụng khác;
  • Các loại pháo như pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa, pháo bông, pháo sáng, pháo hiệu và thuốc pháo;
  • Đạn khói, quả tạo khói;
  • Các loại thuốc nổ, thuốc súng, chất nổ dẻo…

Quyết định số 959/QĐ-CHK ban hành và có hiệu lực từ ngày 07/5/2021.

Bổ sung yêu cầu đối với thang máy trong chung cư từ 05/7/2021


Ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ra Thông tư 03/2021/TT-BXD về việc ban hành QCVN 04:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư.

Theo quy định, chung cư cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 200 người cư trú trong tòa nhà không kể số người ở tầng 1 (tầng trệt) hoặc trường hợp tính toán theo số căn hộ thì cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 70 căn hộ. Tải trọng nâng của một thang máy phải không nhỏ hơn 450 kg. Trong trường hợp nhà có một thang máy, tải trọng nâng tối thiểu của thang máy không nhỏ hơn 630 kg.

Theo quy định hiện tại, tải trọng nâng của một thang máy chỉ cần không nhỏ hơn 400 kg. Đối với trường hợp nhà có một thang máy, tải trọng nâng tối thiểu của thang máy chỉ cần không nhỏ hơn 600 kg.

Đối với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp có chiều cao phòng cháy chữa cháy lớn hơn 50 m, mỗi khoang cháy của nhà phải có tối thiểu một thang máy đáp ứng yêu cầu vận chuyển lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo TCVN 6396-72:2010TCVN 6396-73:2010.

Điều khoản này được bổ sung quy định: đối với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp có chiều sâu của sàn tầng hầm dưới cùng (tính đến cao độ của lối ra thoát nạn ra ngoài) lớn hơn 9 m, mỗi khoang cháy của nhà phải có tối thiểu một thang máy đáp ứng yêu cầu vận chuyển lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo TCVN 6396-72:2010TCVN 6396-73:2010.

Thông tư 03/2021/TT-BXD có hiệu lực từ 05/7/2021.

Bắt buộc lắp camra trong không gian chung tại nhà chung cư


Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Thông tư 03/2021/TT-BXD ban hành QCVN 04:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư.

Theo đó, điểm 2.1.9 khoản 2.19 tại Mục II thuộc Quy định kỹ thuật của quy chuẩn ban hành kèm Thông tư 03/2021/TT-BXD nêu rõ: Các không gian công cộng, không gian sử dụng chung trong Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải có các thiết bị giám sát an ninh hoặc các giải pháp khác nhằm phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ em nói riêng, người và công trình nói chung.

Trong khi đó, hiện nay, quy chuẩn về nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BXD không có quy định này.

Ngoài ra, yêu cầu kỹ thuật của căn hộ chung cư được quy định cụ thể tại Thông tư này gồm:

  • Phần căn hộ chung cư trong nhà chung cư hỗn hợp phải có lối ra vào (không bao gồm buồng thang bộ thoát nạn) độc lập;
  • Phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh. Diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25 m2;
  • Căn hộ chung cư phải được chiếu sáng tự nhiên. Căn hộ có từ 2 phòng ở trở lên, cho phép một phòng ở không có chiếu sáng tự nhiên. Phòng ngủ phải được thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên. Diện tích sử dụng của phòng ngủ trong căn hộ chung cư không được nhỏ hơn 9 m2;
  • Cửa sổ chỉ được làm cửa trượt hoặc cửa lật có cửa an toàn khi mở v.v.

Không công bố danh tính, lịch trình bệnh nhân Covid-19 cho báo chí


Nội dung này được Bộ Y tế yêu cầu tại Công văn 4191/BYT-TT-KT phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế cho biết trước đó ngày 20/5/2021, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo văn bản, trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 và ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng ở mỗi người dân, tạo nên tâm thế bình tĩnh đối phó, chiến thắng dịch bệnh trong cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, một số phương thức và nội dung cung cấp thông tin về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc công bố công khai danh tính và lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập.

Những thông tin này được báo chí đăng tải, mạng xã hội phát triển, suy diễn khiến cho dư luận cộng đồng bám theo bình luận, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị:

  • Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là đơn vị) bảo đảm cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chuẩn xác về diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
  • Các đơn vị không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân.
  • Các đơn vị chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với Covid-19 đến) để người dân đã từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo hướng dẫn của ngành y tế.
  • Các đơn vị chỉ đạo, quán triệt các nhân viên y tế của đơn vị mình thực hiện nghiêm quy định tại Luật Khám chữa bệnh: không được tiết lộ bằng bất cứ hình thức nào thông tin cá nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ…) của bệnh nhân mắc Covid-19.

Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm bảo vệ môi trường


Tại Nghị định 55/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nghị định 55/2021/NĐ-CP bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

  • Buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
  • Buộc rà soát, cải tạo công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định;
  • Buộc phải lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục hoặc thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
  • Buộc lập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo quy định;
  • Buộc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định;
  • Buộc tháo dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.

Nghị định 55/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2021.

Các văn bản đáng chú ý khác:

  1. Thông tư 35/2021/TT-BTC về việc quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030;
  2. Công văn 1986/BGDĐT-CNTT về danh sách một số máy tính bỏ túi được mang vào trong phòng thi trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021
  3. Quyết định 1508/QĐ-BGDĐT về việc công bố thủ tục hành chính được thay thế lĩnh vực Hệ thống văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  4. Thông tư 01/2021/TT-BTTTT sửa đổi Thông tư 11/2020/TT-BTTTT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *