Hồ sơ xác định chi phí ủng hộ Covid-19 được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2021/NĐ-CP về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.
Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ tại quy định này bao gồm:
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp;
Cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang;
Cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; quỹ từ thiện, nhân đạo;…
Hồ sơ xác định chi phí ủng hộ, tài trợ được trừ gồm:
Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ hoặc văn bản, tài liệu (giấy/điện tử) xác nhận khoản chi có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận;
Hóa đơn, chứng từ hợp pháp của khoản chi.
Nghị định 44/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/3/2021 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020 và năm 2021.
Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm có thể bị phạt đến 100.000.000 đồng
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo.
Theo đó, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Quảng cáo thuốc lá;
Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên;
Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo;
Quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành;
Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.
Ngoài ra, nếu vi phạm các hành vi sau, mức phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng:
Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định;
Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục;
Quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
Bên cạnh việc bị phạt tiền, người/tổ chức thực hiện các hành vi trên còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với các hành vi trên.
Nghị định 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.
Quy mô đầu tư đối với các dự án PPP
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, quy mô tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP trong các lĩnh vực được quy định cụ thể như sau:
Từ 1.500 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực giao thông vận tải (gồm đường bộ; đường sắt; đường thủy nội địa; hàng hải; hàng không);
Từ 1.500 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực lưới điện, nhà máy điện; riêng dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo có tổng mức đầu tư từ 500 tỷ đồng trở lên;
Từ 200 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực thủy lợi; cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;
Từ 100 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực y tế (gồm có cơ sở khám chữa bệnh; y tế dự phòng; kiểm nghiệm);
Từ 100 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực giáo dục – đào tạo (gồm cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục – đào tạo và giáo dục nghề nghiệp);
Từ 200 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực hạ tầng công nghệ thông tin (gồm có như hạ tầng thông tin số, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng và nhà nước; …).
Nghị định 35/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 29/3/2021 (riêng quy định tại Điều 90 có hiệu lực từ 01/10/2019) và bãi bỏ Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018.
Khu vực biển được gia hạn thời gian giao không qua 20 năm
Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2021/NĐ-CP về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định này nêu rõ: Thời hạn giao khu vực biển có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian của các lần gia hạn không quá 20 năm.
Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư mà có thời hạn đầu từ 30 năm thì thời hạn giao khu vực biển được xem xét, quyết định trên 30 năm nhưng không vượt quá thời hạn đầu tư ghi trên các giấy tờ trên…
Nếu thời hạn này đã hết, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng khu vực biển thì được xem xét tiếp tục giao khu vực biển nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển còn hiệu lực;
Việc sử dụng khu vực biển vẫn bảo đảm phù hợp với quy hoạch…
Nghị định 11/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/3/2021.
Điều kiện nhận thế chấp quyền sử dụng đất khi không phải ngân hàng
Quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại Bộ luật Dân sự 2015 được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 vừa qua.
Theo đó, Điều 35 Nghị định này nêu rõ, cá nhân, tổ chức kinh tế không phải tổ chức tín dụng được phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.
Tuy nhiên, để được nhận thế chấp QSDĐ thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Bên nhận thế chấp là tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đất đai, cá nhân là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
Việc nhận thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan, không trái đạo đức xã hội trong quan hệ hợp đồng về dự án đầu tư, xây dựng, thuê, thuê khoán, dịch vụ, giao dịch khác;
Nếu nghĩa vụ được bảo đảm gồm trả tiền lãi thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi chưa trả hoặc lãi, lãi suất khác không vượt quá quy định;
Nếu có thỏa thuận về xử lý với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên có nghĩa vụ và không có quy định khác của pháp luật thì chỉ xử lý một lần với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn;
Đáp ứng các điều kiện có hiệu lực khác của giao dịch dân sự theo Bộ luật Dân sự và luật khác liên quan.
Nghị định 21/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.
Có thể được miễn thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư trong vòng 5 năm
Theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, sẽ được miễn thuế nhập khẩu trong 05 năm
để sản xuất phục vụ các dự án sau:
Dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư
Dự án đầu tư thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
Dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu để phục vụ cho một số dự án cũng được miễn thuế trong vòng 05 năm. Thời gian bắt đầu sản xuất là thời gian sản xuất chính thức, không bao gồm thời gian sản xuất thử. Người nộp thuế tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về ngày thực tế sản xuất và thông báo trước khi làm thủ tục hải quan.
Hết thời hạn miễn thuế 05 năm, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ thuế theo quy định đối với lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu đã được miễn thuế nhưng không sử dụng hết.
Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.
Nhà ở riêng lẻ có thể có được cấp giấy phép xây dựng thông qua mạng điện tử
Theo Quyết định 406/QĐ-TTg năm 2021, việc xin cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ sẽ được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Cụ thể, trong danh mục dịch vụ công trực tuyến cần sớm được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021 ban hành kèm theo Quyết định số 406/QĐ- TTg gồm có cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Dự kiến, thủ tục này được triển khai toàn quốc trong Quý II/2021.
Ngoài ra, một số thủ tục hành chính về xây dựng, nhà đất dự kiến được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021 gồm:
Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng;
Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua;
Cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai;
Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai..
Cũng theo Quyết định này, ngoài những dịch vụ công đã phê duyệt tại Điều 1 Quyết định số 406/QĐ-TTg, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt danh mục, lộ trình, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuộc phạm vi quản lý trên cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021 bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Các văn bản đáng chú ý khác:
- Nghị định 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định việc xây
dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
- Thông tư 15/2021/TT-BTC ngày 18/2/2021 quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tỉnh hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công.
- Nghị định 41/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
- Nghị định 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng
dẫn Luật Căn cước công dân.
- Thông tư 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
- Nghị định 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương pháp đối tác công tư.
Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn.