BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ 02 THÁNG 02/2021

Thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA


Theo đó, quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu như sau:

  • Người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 38/2018/TT-BTC;
  • Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA, người khai hải quan phải khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu và được khai bổ sung, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
  • Trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau khi thời hạn hiệu lực quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2021/TT-BTC vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu và các trường hợp xuất trình muộn khác, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xem xét, quyết định việc áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA đối với các trường hợp cụ thể.

Đối với trường hợp xuất trình muộn khác, hàng hóa phải được nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhập xuất xứ hàng hóa.

Thông tư 07/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 11/3/2021.

Đối với các tờ khai hải quan của mặt hàng nhập khẩu đăng ký từ ngày 01/8/2020 đến trước ngày 11/3/2021, nếu đáp ứng đủ các quy định để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định của Hiệp định EVFTA, Nghị định 111/2020/NĐ-CP và đã nộp thuế theo mức thuế suất cao hơn mức thuế suất quy định tại Hiệp định EVFTANghị định 111/2020/NĐ-CP thì người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ cho cơ quan hải quan để được xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Ban hành Điều lệ mẫu áp dụng với công ty đại chúng


Bộ Tài chính ban hành Thông tư 116/2020/TT-BTC hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán. Theo đó, Thông tư 116/2020 ban hành kèm theo Điều lệ mẫu áp dụng với công ty đại chúng. Công ty đại chúng tham chiếu Điều lệ mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 116/2020 để xây dựng Điều lệ công ty, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Thông tư 116/2020 còn ban hành 04 mẫu Quy chế sau đây:

  • Mẫu Quy chế nội bộ về quản trị công ty;
  • Mẫu Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị;
  • Mẫu Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát;
  • Mẫu Quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán.

Thông tư 116/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/02/2021 và thay thế Thông tư 95/2017/TT-BTC ngày 22/9/2017.

Thay đổi nội dung chính của việc bảo trì công trình xây dựng


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Theo đó, nội dung chính của việc bảo bảo trì công trình xây dựng gồm:

  • Các thông số kỹ thuật, công nghệ của công trình, bộ phận công trình và thiết bị công trình;
  • Quy định đối tượng, phương pháp và tần suất kiểm tra công trình;
  • Quy định nội dung và chỉ dẫn thực hiện bảo dưỡng công trình phù hợp với từng bộ phận công trình, loại công trình và thiết bị lắp đặt vào công trình;
  • Quy định thời điểm và chỉ dẫn thay thế định kỳ các thiết bị lắp đặt vào công trình;
  • Chỉ dẫn phương pháp sửa chữa các hư hỏng của công trình, xử lý các trường hợp công trình bị xuống cấp;
  • Quy định thời gian sử dụng của công trình, các bộ phận, hạng mục công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình;
  • Quy định về nội dung, phương pháp và thời điểm đánh giá lần đầu, tần suất đánh giá đối với công trình phải đánh giá an toàn trong quá trình khai thác sử dụng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và quy định của pháp luật có liên quan;
  • Xác định thời điểm, đối tượng và nội dung cần kiểm định định kỳ;
  • Quy định thời điểm, phương pháp, chu kỳ quan trắc đối với công trình có yêu cầu thực hiện quan trắc;
  • Quy định về hồ sơ bảo trì công trình xây dựng và việc cập nhật thông tin vào hồ sơ bảo trì công trình xây dựng;
  • Các chỉ dẫn khác liên quan đến bảo trì công trình xây dựng và quy định các điều kiện nhằm bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thực hiện bảo trì công trình xây dựng.

Đối chiếu với quy định tương tự tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP trước đây, việc bảo trì công trình xây dựng đã được bổ sung thêm nội dung “quy định về hồ sơ bảo trì công trình xây dựng và việc cập nhật thông tin vào hồ sơ bảo trì công trình xây dựng“. Đồng thời, nội dung về quy định đánh giá đối với công trình phải đánh giá an toàn trong quá trình khai thác sử dụng cũng được quy định bổ sung phải đáp ứng quy định về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng thay vì chỉ cần đáp ứng quy định của pháp luật có liên quan như tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP.

Hướng xử lý khi xảy ra sự cố công trình xây dựng


Nghị định 06/2021/NĐ-CP đã có điều chỉnh quy định về hướng xử lý khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, cụ thể khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư phải thực hiện các công việc:

  • Bằng biện pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải thông báo về sự cố bao gồm thông tin về tên và vị trí xây dựng công trình, sơ bộ về sự cố và thiệt hại (nếu có) cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình (nếu có) ngay sau khi xảy ra sự cố;
  • Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố.

Đối với tất cả các sự cố có thiệt hại về người thì chủ đầu tư gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Báo cáo bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

  • Tên công trình, vị trí xây dựng, quy mô công trình;
  • Tên các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình;
  • Mô tả về sự cố, tình trạng công trình xây dựng khi xảy ra sự cố, thời điểm xảy ra sự cố;
  • Thiệt hại về người và tài sản (nếu có).

Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện theo quy định trên nếu sự cố công trình xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng. Ngoài ra, khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện báo cáo theo quy định tại Điều 44 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.

Đối với việc tổ chức giám định sự cố công trình xây dựng, việc chi trả chi phí được chia thành hai trường hợp: sự cố công trình xây dựng xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trìnhsự cố công trình xây dựng xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng công trình.

Khi có sự cố công trình xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình, chi phí giám định được xử lý như sau:

  • Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng;
  • Khi có kết quả giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng và phân định trách nhiệm thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình xây dựng phải có trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố;
  • Nếu sự cố công trình xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng thì trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố thực hiện theo quy định của hợp đồng xây dựng có liên quan.

Khi có sự cố công trình xây dựng xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng công trình, chi phí giám định được xử lý như sau:

  • Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng;
  • Khi có kết quả giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng và phân định trách nhiệm thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình xây dựng phải có trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố;
  • Nếu sự cố công trình xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng thì trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố do chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình chi trả.

Cuối cùng, chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý, sử dụng có trách nhiệm lập hồ sơ sự cố công trình xây dựng bao gồm các nội dung sau:

  • Biên bản kiểm tra hiện trường sự cố với các nội dung: Tên công trình, hạng mục công trình xảy ra sự cố; địa điểm xây dựng công trình, thời điểm xảy ra sự cố, mô tả sơ bộ và diễn biến sự cố; tình trạng công trình khi xảy ra sự cố; sơ bộ về tình hình thiệt hại về người và tài sản; sơ bộ về nguyên nhân sự cố;
  • Các tài liệu về thiết kế và thi công xây dựng công trình liên quan đến sự cố;
  • Hồ sơ giám định nguyên nhân sự cố;
  • Các tài liệu liên quan đến quá trình giải quyết sự cố;

Mức bồi thường theo bảo hiểm xe máy bắt buộc có thể lên đến 150 triệu đồng/người/vụ


Ngày 15/01/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2021/TT-BTC quy định chi tiết một số điều của Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, các mức trách nhiệm bảo hiểm gồm:

  • Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn (theo quy định hiện hành tại Thông tư 22/2016/TT-BTC là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn).
  • Mức trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
  • Mức trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe máy chuyên dùng gây ra là 100 triệu đồng/vụ tai nạn.

Các văn bản đáng chú ý khác:

1.      Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục;

2.      Nghị định số 05/2021/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

3.      Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025

4.      Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định 13/2019/NĐ-CP.

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quýba khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *