Mức đóng Quỹ phòng, chống thiên tai kể từ tháng 9/2021
Ngày 15/9/2021, Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai đã chính thức có hiệu lực. Nội dung của Nghị định quy định cụ thể mức đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm như sau:
- Mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có nhưng tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức. (không thay đổi so với quy định trước đó)
- Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước đóng 1/2 của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng.
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đóng 1/2 của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động.
- Người lao động khác: đóng góp 10.000 đồng/người/năm.
Nhìn chung, mức đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm đã giảm một phần so với mức đóng góp quy định trước đó tại Nghị định 94/2014/NĐ-CP, cụ thể:
- Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;
- Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;
- Người lao động khác: đóng 15.000 đồng/người/năm.
Đối với trường hợp các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài nước, mức đóng góp vẫn được giữ nguyên so với quy định tại Nghị định 94/2014/NĐ-CP. Ngoài ra, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi cũng là đối tượng được bổ sung trong trường hợp miễn đóng góp góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai tại Điều 13 Nghị định 78/2021/NĐ-CP.
Cơ chế một cửa quốc gia cập nhật thêm 2 thủ tục về y tế
Tổng cục Hải quan đã có Công văn 4363/TCHQ-CNTT về việc triển khai thủ tục của Bộ Y tế trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Cụ thể, kể từ ngày 15/9 – 15/10/2021, triển khai thí điểm thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có đủ điều kiện và có nhu cầu thực hiện đối với 02 thủ tục của Bộ Y tế gồm:
- Cấp mới số lưu hành đổi với trang thiết bị y tế là phương tiện đo nhưng không phải phê duyệt mẫu theo quy định của pháp luật về đo lường;
- Cấp mới số lưu hành đối với trang thiết bị y tế là phương tiện đo phải phê duyệt mẫu theo quy định của pháp luật về đo lường.
Theo đó, từ 15/10/2021, tất cả doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức chính thức thực hiện 02 thủ tục hành chính nêu trên theo Cơ chế một cửa quốc gia.
Ngoài ra, các Thông báo/Giấy phép nhập khẩu theo 02 thủ tục hành chính nêu trên do các cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 15/9/2021 dưới dạng bản giấy vẫn tiếp tục có hiệu lực đến khi hết thời hạn theo quy định. Đối với các Thông báo/Giấy phép nhập khẩu theo 02 thủ tục hành chính nêu trên do các cơ quan có thẩm quyền cấp từ ngày 15/9/2021 trở về sau dưới dạng bản giấy và không có bản điện tử vẫn tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn hiệu lực theo quy định.
Công văn 4363/TCHQ-CNTT được ban hành ngày 10/9/2021.
Mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động được giảm còn 0%
Đây là nội dung được nhắc đến trong Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo đó, đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm đang tham gia BHTN trước ngày 01/10/2021 (không bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, v.v.). Cụ thể:
- Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN.
- Thời gian thực hiện: 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Tại Nghị quyết 116/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu việc thực hiện hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động phải đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả; không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Loạt quy định mới liên quan đến việc đăng kiểm ô tô kể từ tháng 10/2021
Từ ngày 01/10/2021, việc đăng kiểm xe ô tô sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 16/2021/TT-BGTVT thay thế Thông tư 70/2015/TT-BGTVT hiện nay. Theo đó, sẽ có một số thay đổi liên quan.
Thứ nhất, là việc tăng chu kỳ kiểm định của ô tô chở người các loại đến 09 chỗ (sản xuất dưới 05 năm) có kinh doanh vận tải. Theo Phụ lục XI Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, chu kỳ kiểm định của các loại ô tô này được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 06 tháng lên 12 tháng đối với các chu kỳ tiếp theo.
Riêng đối với xe sản xuất trên 05 năm, thời gian đăng kiểm là 06 tháng/lần; đối với những xe dưới 9 chỗ có cải tạo, thời gian đăng kiểm là 12 tháng đối với chu kỳ đầu, 06 tháng đối với các chu kỳ sau. Thời gian đăng kiểm của các trường hợp này được giữ nguyên theo quy định trước đó.
Thứ hai, khi kiểm định xe cơ giới lần đầu, hồ sơ phương tiện không còn bao gồm Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Như vậy, khi đưa xe cơ giới đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định và lập Hồ sơ phương tiện kể từ ngày Thông tư 16/2021/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực, chủ xe cần xuất trình, nộp các giấy tờ sau:
- Bản chính Giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc Giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp của tổ chức tín dụng hoặc Giấy hẹn cấp Giấy đăng ký xe;
- Bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước;
- Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỷ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo (đối với xe cơ giới mới cải tạo).
Ngoài ra, chủ xe cơ giới còn phải cung cấp thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang Web quản lý thiết bị giám sát hành trình đối với xe cơ giới thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Thứ ba, chủ xe bắt buộc phải khai báo về việc kinh doanh vận tải của xe. Việc khai báo thực hiện theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.
Thứ tư, xe kinh doanh vận tải phải có tem kiểm định riêng. Theo đó, Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định sẽ áp dụng mẫu tem kiểm định màu vàng cam (phần trên của tem kiểm định) cho xe ô ô kinh doanh vận tải và màu xanh dượng (phần trên của tem kiểm định) cho xe không kinh doanh để nhận diện hai loại xe trên.
Ngoài ra, Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định do các đơn vị đăng kiểm đã cấp cho xe cơ giới trước ngày 01/10/2021 vẫn có giá trị cho đến khi hết thời hạn hiệu lực.
Người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được giảm 30% tiền thuê đất
Ngày 25/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất năm 2021 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, cụ thể như sau:
Đối tượng giảm tiền thuê đất là các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Mức giảm tiền thuê đất dự kiến là 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021, không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có). Trong đó:
- Mức giảm tiền thuê đất này được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2021;
- Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ đề nghị giảm tiền thu đất của các đối tượng bao gồm:
- Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2021;
- Bản sao quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng cho thuê đất của cơ quan Nhà nước.
Người thuê đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất trong thời hạn từ ngày 25/9/2021 đến ngày 31/12/2021 cho cơ quan thuế, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và cơ quan quản lý thu thuế đất khác của người thuê. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xác định số tiền thuê đất được giảm và ban hành Quyết định giảm tiền thuê đất.
Biện pháp xử lý vi phạm trên sàn thương mại điện tử
Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.
Theo đó Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã có hướng dẫn cụ thể về các biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử như sau:
- Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy trình, thủ tục công bố tại Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử;
- Cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật;
- Các biện pháp khác theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đây là các biện pháp được Chính phủ quy định bổ sung nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiệm việc vi phạm pháp luật về kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Nghị định 85/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Bắt buộc công bố chính sách kiểm hàng trên sàn thương mại điện tử
Nội dung này cũng là một trong những quy định nổi bật tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Cụ thể, theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP, từ năm 2022, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố chính sách kiểm hàng đối với hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website. Đồng thời, các thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thực hiện công bố các thông tin về điều kiện giao dịch chung đối với hàng hóa hoặc dịch vụ như trước đây, gồm:
- Các điều kiện hoặc hạn chế trong việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ;
- Chính sách hoàn trả gồm: Thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền v.v.;
- Chính sách bảo hành sản phẩm (nếu có);
- Các tiêu chuẩn dịch vụ, quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí và các điều khoản khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ, v.v.;
- Nghĩa vụ của người bán và nghĩa vụ của khách hàng khi giao dịch.
Hướng dẫn cụ thể về lộ trình sử dụng hóa đơn điện tử kể từ tháng 7/2022
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 78/2021/TT-BTC, trong đó có hướng dẫn cụ thể về lộ trình sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2022.
Theo đó, khoản 2 Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC nêu rõ, hóa đơn điện tử áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kể từ ngày 01/7/2022. Trường hợp doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng. Cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Theo đó, thời gian tối đa 12 tháng được tính một lần kể từ ngày 01/7/2022 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:
- Đang hoạt động từ trước 01/7/2022; hoặc
- Kể từ thời điểm đăng ký bắt đầu sử dụng hoá đơn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới thành lập từ ngày 01/7/2022.
Đồng thời, Bộ Tài chính khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 01/7/2022.
Thông tư 78/2021/TT-BTC được ban hành ngày 17/9/2021 và có hiệu lực từ 01/7/2022.
Các văn bản quy định về hóa đơn, chứng từ hết hiệu lực kể từ 01/7/2022
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
Theo đó, kể từ ngày 01/7/2022, các Thông tư, Quyết định sau đây của Bộ Tài chính sẽ hết hiệu lực thi hành:
- Quyết định số 30/2001/QĐ-BTC về việc ban hành chế độ in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.
- Thông tư số 191/2010/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hóa đơn vận tải.
- Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
- Thông tư số 39/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 26/2015/TT-BTC.
- Quyết định số 1209/QĐ-BTC về thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
- Quyết định 526/QĐ-BTC về việc mở rộng phạm vi thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
- Quyết định số 2660/QĐ-BTC về việc gia hạn thực hiện Quyết định 1209/QĐ-BTC.
- Thông tư số 303/2016/TT-BTC hướng dẫn về in, phát hành, quản lý và sử dụng sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.
- Thông tư số 37/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 26/2015/TT-BTC).
- Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử.
- Thông tư số 88/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 26 Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử.
Các văn bản đáng chú ý khác:
- Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
- Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2019/NĐ-CP quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
- Thông tư 09/2021/TT-BVHTTDL chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thư viện công cộng tỉnh, Thành phố.
- Thông tư 20/2021/TT-BGTVT Quy chế phối hợp giữa doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không với cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không.
- Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
- Thông tư 14/2021/TT-BXD về việc hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.
- Quyết định 1541/QĐ-CHK về việc ban hành Danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang vào khu vực hạn chế, mang lên tàu bay.
- Thông tư 21/2021/TT-BGTVT mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
- Thông tư 122/2021/TT-BQP hướng dẫn xác định Đơn giá ca máy và thiết bị thi công rà phá bom mìn vật nổ.
- Thông tư 123/2021/TT-BQP hướng dẫn xác định Định mức dự toán và quản lý chi phí trong dự toán rà phá bom mìn vật nổ.
Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn