BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ 01 THÁNG 2/2021

Điều kiện để sử dụng chứng khoán làm tài sản ký quỹ bù trừ


Ngày 31/12/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 119/2020/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư và thành viên bù trừ được sử dụng chứng khoán để thực hiện ký quỹ bù trừ nếu chứng khoán đáp ứng các điều kiện sau:

  • Không thuộc loại bị cảnh báo, bị kiểm soát, tạm ngừng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc chứng khoán của các tổ chức phát hành đang trong tình trạng giải thể, phá sản, hợp nhất, sáp nhập;
  • Không phải là tài sản bảo đảm trong các giao dịch theo quy định pháp luật dân sự về giao dịch tài sản bảo đảm, kể cả tài sản bảo đảm trong giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán;
  • Không phải là tài sản đang bị phong tỏa bởi tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định pháp luật liên quan;
  • Không bị phong tỏa, tạm giữ tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
  • Thuộc loại tự do chuyển nhượng và đã được lưu ký trên tài khoản chứng khoán giao dịch tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên ký quỹ bù trừ là nhà đầu tư, thành viên bù trừ;
  • Các điều kiện khác theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Doanh nghiệp phải công bố công khai tình hình tai nạn lao động


Tại Thông tư số 13/2020/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá tình hình tai nạn lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.

Theo đó, khoản 1 Điều 4 Thông tư này nêu rõ việc người sử dụng lao động có trách nhiệm đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở theo quy định sau:

  • Định kỳ 06 tháng, hằng năm, đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở cho người lao động biết Thông tin phải được công bố trước ngày 10 tháng 7 đối với số liệu 06 tháng đầu năm và trước ngày 15 tháng 01 năm sau đối với số liệu cả năm;
  • Thông tin công bố phải được niêm yết công khai tại trụ sở của cơ sở và cấp tổ, đội, phân xưởng, phòng, ban (đối với các tổ, đội, phân xưởng, phòng, ban có xảy ra tai nạn lao động), tại hội nghị người lao động hằng năm của doanh nghiệp và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có).

 

Từ 04/01/2021, thêm đối tượng không cần đăng ký kinh doanh


Ngoài việc thay đổi về đối tượng được thành lập hộ kinh doanh thì Nghị định 01/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 04/01/2021) còn bổ sung thêm đối tượng không cần đăng ký kinh doanh.

Cụ thể, khoản 2 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP (quy định cũ) quy định: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”.

Hiện nay, khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”.

Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm đối tượng không cần phải đăng ký kinh doanh là “những người kinh doanh thời vụ trừ truờng hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.

Năm địa điểm cấm đăng ký thường trú, tạm trú từ 01/07/2021


Theo quy định của pháp luật, công dân có quyền tự do cư trú cũng như được quyền đăng ký thường trú, tạm trú nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, có năm địa điểm theo Điều 23 Luật Cư trú 2020 mà công dân bị cấm đăng ký thường trú, tạm trú gồm:

  • Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật;
  • Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật;
  • Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật;
  • Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
  • Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bãi bỏ khái niệm “nhà ở riêng lẻ”


Theo Khoản 29 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014, nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khái niệm nhà ở riêng lẻ cũng được quy định tại Luật Nhà ở 2014, cụ thể tại Khoản 2 Điều 3 thì nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.

Như vậy, khái niệm nhà ở riêng lẻ giữa Luật Xây dựng 2014Luật Nhà ở 2014 không có sự thống nhất với nhau. Do đó tại Điểm e Khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, khái niệm “nhà ở riêng lẻ” tại Khoản 29 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 bị bãi bỏ.

Bỏ quy định về đủ vốn khi khởi công xây dựng


Theo Điều 107 Luật Xây dựng 2014, việc khởi công xây dựng công trình phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng;
  • Có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng;
  • Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt và được chủ đầu tư kiểm tra, xác nhận trên bản vẽ;
  • Có hợp đồng thi công xây dựng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu được lựa chọn;
  • Được bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình;
  • Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

Tuy nhiên, Khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã sửa đổi quy định trên, theo đó, khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư không phải đáp ứng điều kiện về đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình. Nhưng quy định mới bắt buộc chủ đầu tư phải gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 03 ngày làm việc.

Bổ sung khái niệm “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”


Căn cứ Điểm đ Khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020dự án đầu tư xây dựng khu đô thị là dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị. Đồng thời, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 cũng quy định việc kiểm soát loại hình dự án đặc thù này ở bước thẩm định dự án và bàn giao công trình, dự án.

Cùng với các đặc điểm chung của một dự án đầu tư xây dựng thông thường, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị còn có những đặc điểm đặc thù: yêu cầu cao đối với tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; thường sử dụng nguồn lực tài nguyên lớn về đất đai; tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội,… Thực tế qua việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai hiện nay cho thấy không đảm bảo sự đồng bộ trong đầu tư nhà ở, dịch vụ thương mại và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; công tác kiểm tra nghiệm thu kéo dài dẫn đến nhiều vướng mắc trong nghiệm thu tổng thể toàn bộ dự án. Do đó, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 đã bổ sung quy định về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị nhằm khắc phục các bất cập nêu trên mà không phát sinh thủ tục hành chính mới, không thay đổi trách nhiệm của các chủ thể đã được điều chỉnh bởi các pháp luật có liên quan.

Quy định về hợp đồng mua lại trái phiếu chính phủ có kỳ hạn


Bộ Tài chính ban hành Thông tư 107/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020 hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Theo Thông tư 107/2020/TT-BTC, giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP giữa KBNN và ngân hàng thương mại được thực hiện theo Hợp đồng, bao gồm: hợp đồng khung và các phụ lục hợp đồng.

Trong đó, nội dung chính của hợp đồng khung, bao gồm:

  • Căn cứ pháp lý thực hiện hợp đồng;
  • Ngày hợp đồng, địa điểm ký kết hợp đồng;
  • Thông tin bên mua, thông tin bên bán, bao gồm: tên, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản và nơi mở tài khoản (tài khoản tiền gửi và tài khoản lưu ký chứng khoán) của bên mua, bên bán;
  • Phương thức giao dịch (không bao gồm nội dung về lãi suất mua lại có kỳ hạn, kỳ hạn mua lại TPCP, các điều kiện và điều khoản của TPCP, khối lượng TPCP giao dịch, các mức giá trị giao dịch lần 1, lần 2);
  • Phương thức thanh toán và chuyển giao TPCP;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  • Vi phạm và xử lý vi phạm hợp đồng;
  • Giải quyết tranh chấp;
  • Quy định về ngày có hiệu lực của hợp đồng, thời hạn hợp đồng và chấm dứt hợp đồng; về thay đổi điều khoản, điều kiện quy định tại hợp đồng;
  • Các nội dung liên quan khác (nếu có).

Thông tư 107/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/4/2021.

Các văn bản đáng chú ý khác:

1.      Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;

2.      Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;

3.      Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;

4.      Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *