Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua một số quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 với nhiều quy định mới đáng chú ý.
Tại khoản 4 Điều 99, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được vay để đầu tư, ủy thác đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản. Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không được phép kinh doanh bất động sản, ngoại trừ các trường hợp sau đây:
- Mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng;
- Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ;
- Nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản.
Có thể thấy đây là quy định mới hoàn toàn so với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Theo quy định trước đó, pháp luật vẫn cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.
Quy định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2028.
Bên cạnh quy định trên, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng quy định có 05 loại hợp đồng bảo hiểm, bao gồm:
- Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;
- Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
- Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại; và
- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.
Trong đó, Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.
Như vậy, so với hiện hành thì Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã quy định nhiều loại Hợp đồng bảo hiểm hơn Tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 chỉ quy định 03 loại là:
- Hợp đồng bảo hiểm con người;
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản; và
- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Đối với loại Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải; nội dung không quy định tại Bộ luật Hàng hải thì thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng điều chỉnh, bổ sung những thay đổi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi tắt là “CNNN tại Việt Nam”)
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, CNNN tại Việt Nam phải thông báo và được Bộ Tài chính chấp nhận trước khi thay đổi những nội dung sau:
- Tên, địa điểm đặt trụ sở chính;
- Mức vốn điều lệ; vốn được cấp;
- Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;
- Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp dẫn đến có cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên hoặc giảm xuống dưới 10% vốn điều lệ;
- Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán;
- Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp; và
- Đầu tư ra nước ngoài, bao gồm việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện và các hình thức hiện diện thương mại khác tại nước ngoài.
Riêng đối với những thay đổi sau, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, CNNN tại Việt Nam chỉ cần thông báo cho Bộ Tài chính bằng văn bản trong vòng 15 ngày sau khi có thay đổi:
- Thay đổi điều lệ hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
- Mở, chấm dứt, thay đổi địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;
- Mở, chấm dứt, thay đổi địa điểm kinh doanh; và
- Thay đổi các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Đây là một trong những thay đổi lớn tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. So với Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 các thay đổi về việc mở, chấm dứt, thay đổi hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh sẽ không còn cần sự chấp thuận của Bộ Tài chính kể từ ngày 01/01/2023. Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng bổ sung những thay đổi cần thông báo như thay đổi về nội dung điều lệ; mở, chấm dứt, thay đổi địa điểm kinh doanh; thay đổi các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023. Đối với các quy định tại khoản 3 Điều 86, khoản 4 và khoản 5 Điều 94, Điều 95, khoản 3 và khoản 4 Điều 99, các Điều 109, 110, 111, 112, 113, 114 và 116 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2028.
Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử kể từ ngày 01/7/2022
Căn cứ vào quy định áp dụng hóa đơn điện tử được hướng dẫn tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, kể từ ngày 01/7/2022 các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, tổ hợp tác;
- Đơn vị sự nghiệp công lập có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
- Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh.
Quy định này mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh và đặc biệt là cơ quan thuế trong việc quản lý và kiểm soát các hoạt động về thuế.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC. Theo đó, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh khác sẽ không phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/07/2022 nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:
- Thành lập trong thời gian từ ngày 17/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022;
- Chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định.
Cơ quan thuế sẽ tiếp nhận dữ liệu hóa đơn của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế nhằm phục vụ cho việc tra cứu dữ liệu hóa đơn.
Tiếp tục trình UBTVQH Nghị quyết giảm thuế với xăng dầu lần thứ 2.
Ngày 03/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Trong trường hợp Nghị quyết trên được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được giảm trong năm 2022.
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 như sau:
- Xăng: Giảm từ 000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít;
- Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 000 đồng/lít;
- Dầu diesel: Giảm từ 000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít;
- Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít;
- Mỡ nhờn: Giảm từ 000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg;
- Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Từ ngày 01/01/2023, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH. Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022, đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết kể từ ngày 01/8/2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện.
Có thể thấy, việc giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn. Từ đó, góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời góp phần ổn định kinh tế và tránh nguy cơ lạm phát trong thời gian tới.
Hàng loạt loại phí, lệ phí sẽ tăng trở lại từ ngày 01/7/2022.
Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC quy định về mức thu của một số khoản phí, lệ phí áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Cụ thể, Thông tư 120/2021/TT-BTC đã quy định 37 khoản phí, lệ phí được giảm từ 10 – 50% mức thu. Do đó, kể từ ngày 01/7/2022, mức thu các khoản phí, lệ phí này sẽ tăng trở lại mức thu theo quy định trước đó, có thể kể đến các khoản lệ phí sau:
- Lệ phí cấp Căn cước công dân;
- Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, cấp chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
- Lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
- Phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong nước;
- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;
- Phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy v.v.
Người lao động được tạm trú trong khu công nghiệp từ 15/7/2022.
Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo quy định trước đây, trong khu công nghiệp, khu chế xuất không cho phép dân cư sinh sống. Chỉ trong một số trường hợp cấp thiết như người nước ngoài giữ vai trò là quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia mới được phép tạm trú tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tuy nhiên, theo quy định mới tại Điều 25 Nghị định 35 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, các chuyên gia và kể cả người lao động sẽ được phép tạm trú, lưu trú ở cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, cơ sở lưu trú của chuyên gia, người lao động được xây dựng tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp và phải bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự cũng như không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022.
Các văn bản đáng chú ý khác:
- Nghị định 36/2022/NĐ – CPngày 30/5/2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết 43/2022/QH15;
- Nghị định 34/2022/NĐ-CPngày 28/5/2022 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.
Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vấn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn.