BẢN TIN DOANH NGHIỆP SỐ 01 THÁNG 12/2020

Doanh nghiệp không phải thông báo mẫu dấu trước khi dùng từ 2021


Tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, Doanh nghiệp trước khi sử dụng con dấu phải có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải thông tin công khai trên Cổng điện tử.

Tuy nhiên, kể từ năm 2021 trở đi, doanh nghiệp không còn có nghĩa vụ phải thực hiện công việc này. Cụ thể Điều 44 Luật cũ được sửa thành như sau:

  • Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
  • Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
  • Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

Như vậy, kể từ năm 2021 trở đi doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng.

Ngoài ra, việc quy định nội dung của con dấu phải thể hiện thông tin tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp không còn bị bắt buộc. Có nghĩa là kể từ năm 2021 trở đi, doanh nghiệp có quyền quyết định về nội dung thể hiện trên con dấu của công ty mình.

Đồng thời, Nhà nước cũng đã công nhận dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được xác định là dấu của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020.

Khái niệm “Doanh nghiệp nhà nước” đã thay đổi từ 01/01/2021


Tại quy định cũ, Doanh nghiệp được định nghĩa như sau: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Tuy nhiên, kể từ ngày Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực, khái niệm doanh nghiệp nhà nước được thay đổi theo phạm vi xác định rộng hơn, cụ thể là:

Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này

Như vậy, doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được xem là doanh nghiệp nhà nước:

  • Trường hợp 1Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm:

Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;

Công ty TNHH MTV là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

  • Trường hợp 2:Doanh nghiệp có thành viên là Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, bao gồm:

Công ty TNHH HTV trở lên, công ty CP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;

Công ty TNHH HTV trở lên, công ty CP là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Doanh nghiệp nhà nước phải có Ban Kiểm soát kể từ 01/01/2021


Căn cứ theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp nhà nước căn cứ vào quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Trong trường hợp Ban Kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.

Theo đó, tiêu chuẩn đối với Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại Doanh nghiệp nhà nước gồm:

  • Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về kinh tế,tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doành của doanh nghiệpvà có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc; Trưởng Ban kiểm soát phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc;
  • Không được là người quản lý công ty và người quản lý tại doanh nghiệp khác;
  • Không được là Kiểm soát viên của doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước;
  • Không phải là người lao động của công ty;
  • Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu của công ty; thành viên Hội đồng thành viên của công ty; Chủ tịch công ty; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Kiểm soát viên khác của công ty;
  • Tiêu chuẩn và điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.

Đặc biệt là, nhiệm kỳ của kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại Công ty đó. Và một cá nhân có thể đồng thời được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước.

Thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp


Tại quy định cũ, luật Doanh nghiệp 2014 có 6 trường hợp không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp. Như vậy quy định cũ đã bỏ sót một vài đối tượng đặc biệt và các đối tượng này được bổ sung thêm trong Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể là:

  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
  • Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
  • Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

DNTN có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty hợp danh


Theo Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty CP hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện và cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định trước đây tại Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH.

Không còn phải báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp với cơ quan quản lý


Hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của những người sau đây:

  • Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần;
  • Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên; hoặc
  • Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ quy định này. Như vậy kể từ ngày 01/01/2020, các doanh nghiệp có thay đổi về thông tin người quản lý doanh nghiệp thì không phải thực hiện thay đổi thông tin trên cơ quan đăng ký kinh doanh.

 

Bản tin này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về văn bản pháp luật mới được ban hành mà không nhằm mục đích cung cấp các tư vn pháp lý. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn chi tiết về các quy định của những văn bản pháp luật nêu trên hoặc cung cấp văn bản miễn phí, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Việt Phúc qua số tổng đài tư vấn 0865576604 hoặc gửi email tư vấn đến info@vplaw.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *